Multimedia Đọc Báo in

Cần có giải pháp phù hợp sử dụng nguồn nhân lực

15:54, 13/03/2015

Chào mừng kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Dak Lak và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V - năm 2015, từ ngày 9 đến 12-3, Sở GD-ĐT tổ chức triển lãm thành tựu giáo dục-đào tạo giai đoạn 1975-2015. Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho Ngành, nhất là vấn đề sử dụng nguồn nhân lực. PV Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi nhanh với Giám đốc Sở GD-ĐT Phan Hồng về vấn đề này. 

IMG_6067.JPG
Giám đốc Sở GD-ĐT Phan Hồng

 *Thưa ông, bên cạnh những thành tựu đạt được, điều gì khiến ông trăn trở trong công tác giáo dục – đào tạo của tỉnh hiện nay? 

Thành tựu rõ rệt mà ngành Giáo dục Dak Lak đạt được sau 40 năm đất nước thống nhất là hệ thống giáo dục hoàn chỉnh về cơ cấu, có đủ các trường học, ngành học từ mầm non đến cao đẳng, đại học đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Điều khiến những người làm công tác giáo dục trăn trở là hiện vẫn còn hơn 30% số trường học chưa được kiên cố. Số trường, lớp kiên cố, chủ yếu mới dừng lại ở phòng học chính, còn phòng bộ môn, phòng thực hành, các trang thiết  bị, đồ dùng dạy học vẫn đang thiếu. Tuy nhiên vấn đề này cũng đã có hướng tháo gỡ bởi mỗi năm Ngành được tỉnh giao nhiệm vụ phát triển hệ thống trường đạt chuẩn từ 3-4%. Qua xây dựng trường đạt chuẩn, chúng ta có điều kiện huy động các nguồn lực từ Nhà nước, sự hỗ trợ của nhân dân và các nguồn tài trợ khác để xây dựng trường lớp. Không những vậy, gần đây Nhà nước có nhiều chính sách đầu tư tăng thêm cho giáo dục như kiên cố hóa trường học giai đoạn 2 đang được triển khai. Với sự quan tâm này, tin rằng cơ sở vật chất, trường lớp học trong tỉnh được cải thiện đáng kể. 
Học sinh Trường THPT  Dân tộc nội trú N'Trang Lơng
Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú N'Trang Lơng. Ảnh minh họa

*Xã hội đang rất bức xúc khi nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp nhưng không tìm được việc làm, trong đó có một phần trách nhiệm của ngành Giáo dục?

Không riêng gì Dak Lak, đây là tình trạng phổ biến trong cả nước. Trong giáo dục việc phân luồng học sinh và đào tạo có kế hoạch rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, tránh lãng phí nguồn lực. Thẳng thắn nhìn nhận việc phân luồng và lập kế hoạch đào tạo hiện vẫn còn nhiều bất cập. Các trường không có khả năng đào tạo vẫn cứ mở ngành, mở lớp tuyển sinh; HS chưa xác định năng lực, trình độ, ngành nghề xã hội cần vẫn cứ học để có tấm bằng, không quan tâm đến nhu cầu việc làm của xã hội... Hệ lụy là nhiều HS, sinh viên ra trường thất nghiệp. Hạn chế này thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước bởi chưa cân đối giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực, trong đó có trách nhiệm của ngành Giáo dục là chưa làm tốt việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho HS phổ thông. 
 
*Rõ ràng, nguồn nhân lực qua đào tạo chưa sử dụng hết, nhưng hằng năm tỉnh vẫn duy trì chế độ cử tuyển, cần khắc phục tình trạng này thế nào để tránh lãng phí, thưa ông?
 
Điều này đã được Bộ GD -ĐT và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chỉ ra tại  Hội nghị ngày 16-12-2014. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, sau 7 năm thực hiện Nghị định 134 của Chính phủ về việc cử tuyển HS DTTS vào các trường ĐH, CĐ, TC, 5 tỉnh Tây Nguyên có 1.194 SV cử tuyển tốt nghiệp (949 ĐH, 66 CĐ và 179 TCCN), nhưng chỉ mới bố trí việc làm cho 744 em (đạt 62,31%). Như vậy, còn 450 SV cử tuyển thất nghiệp (chiếm 37,7%). Con số này đi kèm kinh phí đào tạo đã tạo ra một sự lãng phí không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Theo tính toán sơ bộ,  kinh phí hỗ trợ cho 1 em từ khi bước vào học dự bị đến khi học đại học ra trường tương đương 115 triệu đồng (bao gồm trợ cấp ăn, ở, đi lại, sách vở, đồ dùng học tập). Trong số nhiều nguyên nhân thì việc đào tạo cử tuyển chưa gắn với sử dụng gây nhiều lãng phí. Vì vậy, những năm gần đây, Sở GD-ĐT mạnh dạn đề xuất với UBND tỉnh tạm dừng chế độ cử tuyển đối với ngành Sư phạm.
 
 Lĩnh vực sư phạm có tính chất đặc thù, do đó không thể do khó khăn thì phải châm chước giáo viên chưa đạt yêu cầu có thể dạy. Sở GD-ĐT cũng chỉ là một thành viên của Hội đồng xét cử tuyển của tỉnh, nhưng từ thực tế cho thấy, ở các vùng miền khác có thể nhu cầu nguồn nhân lực còn thiếu để phục vụ cho phát triển của địa phương do đó duy trì chế độ cử tuyển, còn tại Dak Lak điều kiện kinh tế của người dân những năm gần đây đã được nâng lên do đó có điều kiện cho con đi học. Vì vậy, không riêng gì ngành Sư phạm mà nhiều ngành đào tạo khác cũng đang bão hòa do đó hết sức cân nhắc trong thực hiện chế độ cử tuyển. Theo tôi cần sử dụng số sinh viên đã được đào tạo trước, sau đó nếu không đủ mới thực hiện chế độ cử tuyển. Đó mới là giải pháp giúp sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả hơn!
 
*Xin cảm ơn ông!
 Nguyên Hoa ( thực hiện)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.