Multimedia Đọc Báo in

Cần đặt niềm tin vào những điều tích cực trong môi trường giáo dục

09:08, 21/03/2015

Nhiều bậc cha mẹ mới cho con đi nhà trẻ thường than phiền rằng bé hay ốm đau, bé lười ăn, bé không được cô đút ăn, cô giáo không mặc quần áo hoặc xỏ dép cho bé… Tuy nhiên, sau một thời gian cho con đi học, không ít phụ huynh thừa nhận rằng con mình đi học rất ngoan, ăn uống tự giác hơn, biết giao tiếp với bạn bè, biết đọc thơ và hát…

Muốn hình thành cho trẻ những thói quen tốt, ăn uống có giờ giấc và biết giao tiếp xã hội (thường là một vấn đề “lớn” đối với những ông bố, bà mẹ trẻ tuổi), có lẽ việc cho con đi học ngay từ tuổi nhà trẻ là phương án tối ưu. Một số trẻ ở nhà quen được bố mẹ chiều chuộng, ăn uống thì chạy khắp nơi, không bao giờ biết ngồi một chỗ và ăn một cách gọn gàng. Tuy nhiên khi đến lớp học, cô giáo sẽ rèn luyện cho bé biết ngồi vào bàn ghế để cùng ăn với các bạn, biết chơi, biết học. Trong lớp học, bé sẽ có bạn bè để chơi, từ đó hình thành nhân cách cho trẻ, đồng thời qua tiếp xúc với bạn bè, bé sẽ có những giao tiếp xã hội căn bản.

Tuy nhiên, khi cho con đi nhà trẻ, điều đầu tiên cha mẹ phải vượt qua chính là những lo ngại của mình, phải xóa bỏ suy nghĩ tiêu cực về nhà trường và môi trường giáo dục mẫu giáo. Việc bé khóc rất nhiều, có thể bỏ ăn trong thời gian đầu hoặc bị đau ốm khi thay đổi môi trường là chuyện rất bình thường. Rất nhiều cha mẹ chỉ thấy những tiêu cực từ nhà trẻ và than phiền về chuyện vệ sinh nơi nhà trẻ, có những bà mẹ chỉ biết đổ lỗi cho cô giáo về việc con họ bị ốm khi đi học. Hoặc có nhiều phụ huynh thấy con mình có chút vết xước, vết bầm (thường xảy ra khi trẻ tranh giành nhau) đã vội quy kết là cô giáo đánh bé hoặc không trông bé cẩn thận. Có thể đã có những thông tin về những việc đối xử không tốt với trẻ ở trường lớp song đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” bởi còn rất nhiều cô giáo tâm huyết với nghề, thương yêu trẻ bằng cả tấm lòng và chăm sóc trẻ bằng kiến thức khoa học của họ.

Thiết nghĩ, cho con đi học trước tiên phải có niềm tin vào giáo dục, cha mẹ phải tin tưởng vào những điều tích cực từ môi trường giáo dục. Một điều quan trọng nữa là, chính cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ với thầy cô giáo, với nhà trường trong việc giáo dục con em mình bắt đầu từ những ngày đầu tiên đi học của bé. Nếu bạn là một người cha, người mẹ hay nản chí khi cho con đi gửi trẻ thì chính bạn cũng đang làm gương xấu cho trẻ, một bà mẹ thường xuyên cho con đi học muộn và nghỉ học vì thiếu kiên trì và tin tưởng vào cô giáo thì chính bạn cũng không dạy cho bé biết chăm chỉ học hành. Đừng bao giờ gieo rắc vào tư tưởng của trẻ là trường học là “kinh khủng”, các cô giáo “dữ dằn”, không thương con bằng cha mẹ (như kiểu dọa con “Không nghe lời là mẹ cho đi học đấy”!). Cha mẹ phải truyền động lực học tập cho bé bằng chính những lời giới thiệu tốt đẹp về trường lớp. Nếu muốn con trẻ khôn lớn, bạn phải dạy cho con mình biết yêu thích việc học tập và chính bạn phải làm gương tốt cho bé, bạn phải là người mẹ/ bố thường xuyên đưa đi học đúng giờ; không nên cho bé đi học không đều, gieo rắc cho bé ý nghĩ có thể nghỉ học tùy thích.

“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, đừng vì quá yêu thương con mà cứ mãi ấp ủ, bảo bọc con trong vòng tay của mình. Hãy đặt niềm tin vào môi trường giáo dục mẫu giáo bởi đó chính là môi trường để rèn luyện tính tự lập và giúp con bạn học hỏi rất nhiều từ cô giáo và bạn bè.

 Nguyễn Thị Kim Hồng

(Giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.