Nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học ở một trường vùng sâu
Những năm qua, thầy và trò Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (xã Dak Phơi, huyện Lak) luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực đổi mới phương pháp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học, phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1.
Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm hiện có 14 lớp học với tổng số 402 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 97,5%. Những năm trước đây, việc huy động học sinh đến lớp gặp rất nhiều khó khăn do phụ huynh lo làm kinh tế, “khoán trắng” việc học của con em cho nhà trường. Thầy Y Niết Phok (giáo viên dạy lớp 1) nhớ lại: “Trước đây, các em bỏ học nhiều lắm. Chúng tôi phải chia nhau thành từng nhóm đến nhà học sinh động viên các em. Ban ngày không gặp, chúng tôi tranh thủ đến vào buổi tối. Không ít lần giáo viên chủ nhiệm đã bị phụ huynh đóng cửa không tiếp vì nhiều lần đến nhà động viên con họ đi học. Nhà trường không vận động được, chúng tôi tranh thủ sự giúp đỡ của cán bộ thôn, buôn, già làng đến tận rẫy cách xa buôn hơn 10 km tuyên truyền, giải thích để bố mẹ cho các em đến trường. Giờ thì việc bỏ học của các em học sinh đã giảm hẳn, phụ huynh đã có suy nghĩ tiến bộ hơn đối với việc học của con em mình”.
Một tiết học ở Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm. |
Thầy Phan Mậu Kiệm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo ngành Giáo dục, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của hội cha mẹ học sinh, cộng với lòng yêu nghề mến trẻ của đội ngũ cán bộ, giáo viên nên những năm qua chất lượng dạy và học tại đây có những chuyển biến rõ rệt. Người dân không chỉ cho con đi học đúng độ tuổi mà còn tự nguyện đóng góp quỹ Hội Ban đại diện cha mẹ học sinh để kịp thời khen thưởng các cháu có thành tích trong học tập; hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, …
Công tác đổi mới phương pháp dạy học được nhà trường thực hiện theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày của từng học sinh, giúp các em cảm thấy tự tin, vui thích với các hoạt động học tập và đến trường đông đủ. Nhà trường đã tập trung chỉ đạo việc quản lý, tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức, điều chỉnh nội dung dạy học cũng như đánh giá xếp loại phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý học sinh tiểu học; tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và tăng cường môn tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số… Bên cạnh đó, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, kỹ năng sống thông qua các môn học, hoạt động giáo dục; đưa các nội dung giáo dục văn hóa truyền thống như văn hóa cồng chiêng, cúng lúa mới, trồng cây xanh trong khuôn viên trường, chăm sóc Đài tưởng niệm xã Dak Phơi… vào chương trình giảng dạy, tạo sự gắn bó giữa các thầy cô giáo và học sinh, qua đó, bồi đắp thêm tình yêu trường, mến bạn cho các em. Cô Hoàng Thị Thơ (giáo viên lớp 5) chia sẻ: “Lớp có 30 học sinh thì trong đó 29 học sinh là người dân tộc thiểu số, gia đình các em phần lớn đều là hộ nghèo nên việc chăm lo học tập cho các em cũng bị hạn chế. Tuy nhiên, nhờ thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học nên chúng tôi đã kích thích sự hứng thú của học sinh, nhất là việc duy trì sĩ số lớp”. Thầy Phan Mậu Kiệm phấn khởi cho hay: Mặc dù là một trường ở vùng sâu, còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng các thầy cô tại đây không ngừng học tập, bổ sung kiến thức nhằm nâng cao chất lượng quản lý cũng như chuyên môn. Năm học vừa qua, trong tổng số 24 cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường thì có tới 12 giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp trường, 3 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 20 người đạt danh hiệu lao động tiên tiến…
Song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học thì việc triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua cũng luôn được thầy và trò Trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm tham gia tích cực. Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đẩy mạnh cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao, Hội khỏe Phù Đổng… do địa phương và ngành Giáo dục tổ chức luôn có sự tham gia đóng góp của nhà trường.
Công sức, tình cảm của các thầy cô giáo Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm dành cho học sinh đã được đền đáp, khi số học sinh bỏ học đã giảm xuống rõ rệt; tỷ lệ duy trì sĩ số đạt 99,5%; tỷ lệ học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình bậc tiểu học đạt 98,3%; trung bình mỗi năm có khoảng 25% học sinh đạt học lực khá, giỏi… Đánh giá về chất lượng giáo dục của nhà trường, bà Bùi Thị Trí Huệ, Phó Phòng Giáo dục huyện Lak cho biết: So với các trường khác trong huyện thì Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm còn gặp nhiều khó khăn như đời sống kinh tế - văn hóa của nhân dân trong xã còn thấp; cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn; học sinh dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao… nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình dạy và học của nhà trường. Tuy nhiên, Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm luôn là một đơn vị có những thành tích đáng biểu dương trong công tác dạy và học, cũng như các phong trào khác của giáo dục huyện nhà.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc