Tạo cơ hội đến trường cho học sinh vùng sâu
Cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương và nguồn kinh phí do các đơn vị, tổ chức tài trợ, cuối năm 2014, thôn Bình Lợi (xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) đã được đầu tư xây dựng điểm trường mẫu giáo, mở ra cơ hội đến trường cho học sinh vùng sâu.
Trải qua quãng đường hơn 100 km, chúng tôi mới đến được thôn Bình Lợi. Giữa bốn bề rừng núi, nhà cửa thưa thớt nhưng có một ngôi trường khang trang, sạch đẹp nằm trên một khu đất cao là điểm nhấn nổi bật của vùng đất xa xôi, hẻo lánh này. Đưa chúng tôi đi thăm một vòng quanh thôn, Trưởng thôn Bế Văn Long kể: “Thời điểm năm 1994, ở đây chỉ có 20-30 hộ di cư tự do vào sinh sống, đến năm 2008, mới có quyết định thành lập thôn, lấy tên là Bình Lợi thuộc địa bàn xã Cư M’lan. Thôn hiện có 193 hộ với 830 khẩu chủ yếu là người dân tộc thiểu số phía Bắc. Mặc dù đã được công nhận địa giới hành chính gần 8 năm nhưng thôn gặp rất nhiều khó khăn, còn 98 hộ nghèo, 34 hộ cận nghèo, số hộ có nhà xây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều băn khoăn, trăn trở lớn nhất của ban tự quản và người dân nơi đây là trẻ em không được đi học. Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương đầu tư xây dựng điểm trường mẫu giáo này đã tạo điều kiện cho các em được đến trường”.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương với các em học sinh trong ngày bàn giao điểm trường mẫu giáo thôn Bình Lợi. |
Chị Đàm Thị Hoàng có một con gái 6 tuổi. Trước đây trong thôn không có trường học nên chị phải gửi cháu cho ông bà ngoại ở huyện Buôn Đôn để được đến trường như các bạn cùng trang lứa. Chị Hoàng bộc bạch: “Nhà bố mẹ mình nghèo, đông con, phải lam lũ kiếm sống nên mấy chị em đều không được đi học. Vì vậy, mặc dù đường sá xa xôi, cách trở, mỗi lần đi thăm con mất cả ngày trời, bỏ cả công việc nhưng cũng phải cố cho nó đi học chứ không thể để mù chữ như mình được. Từ ngày có ngôi trường này, bà con trong thôn mừng lắm, ai cũng hồ hởi đăng ký cho con được đi học”. Cũng nhờ có điểm trường này, mấy đứa con của chị Lý Thị Mịn (dân tộc Mông) mới được đi học. Gia đình chị Mịn vào sinh sống ở thôn từ năm 2008, hiện có 4 đứa con, đứa đầu 5 tuổi, đứa thứ 4 mới 1 tuổi. Con còn nhỏ lại chỉ cách nhau năm một nên chị Mịn suốt ngày quanh quẩn làm việc nhà và chăm lo cho chúng, mọi chi phí sinh hoạt trông cả vào tiền làm thuê của chồng và 2 sào hoa màu. Cuộc sống khó khăn, lo cái ăn chưa đủ nên chị không dám nghĩ đến việc gửi con ra trung tâm huyện đi học. “Thôn cách huyện 27 km, muốn con được đi học thì phải gửi ở trọ nhưng nhà tôi lấy đâu ra tiền lo chi phí ăn, ở cho cháu. Cũng may có điểm trường này, các con tôi sẽ được đến trường”, chị Mịn bày tỏ.
Để tạo cơ hội cho trẻ em thôn Bình Lợi được đến trường, tháng 8 – 2014, Câu lạc bộ Thanh niên Ngàn Hạc Giấy (TP. Hồ Chí Minh) và Đội Công tác xã hội Tuổi trẻ Ea Súp đã cùng huy động, quyên góp kinh phí, đóng góp công sức xây dựng 2 phòng học (1 mẫu giáo, 1 lớp tiểu học), 1 nhà vệ sinh, 1 sân chơi, tổng diện tích 189m2 với tổng số tiền khoảng 250 triệu đồng, nhưng cũng chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu đến trường của các em. Chính vì vậy, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã vận đông Tổ chức phi chính phủ Children Action – Thụy Sĩ tài trợ 1,2 tỷ đồng, địa phương đối ứng 200 triệu đồng khởi công xây dựng điểm trường mẫu giáo thôn Bình Lợi từ tháng 10-2014, sau 2 tháng đã hoàn thành với tổng diện tích 256 m2 gồm 2 phòng học, nhà ăn, công trình vệ sinh, giếng khoan, bồn nước, sân. Đồng thời, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng đã tặng 100 triệu đồng cho trường để mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học giúp các em học tập tốt hơn. Cô Hà Thị Toan, Hiệu trường Trường Mầm non Sơn Ca, phụ trách điểm trường thôn Bình Lợi cho biết: số trẻ em trong độ tuổi học mẫu giáo của thôn rất đông nhưng vì phòng học ít nên 2 phòng đã được xây dựng từ tháng 8 chỉ có thể ưu tiên bố trí 1 lớp mẫu giáo cho những cháu đủ 5 tuổi và 1 lớp tiểu học ghép. Từ khi có thêm 2 phòng học do Tổ chức Children Action tài trợ xây dựng đã giúp thêm khoảng 100 em nhỏ trong độ tuổi mầm non có chỗ học tập, không còn phải đi xa hoặc không được đi học như trước đây.
Ông Bun Thó Lào, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp khẳng định: “Sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng điểm trường thôn Bình Lợi đã tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống, các cháu được đến trường, giảm bớt nỗi lo của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, về lâu dài, để thôn ngày càng phát triển, chúng tôi rất mong muốn các cấp, ngành quan tâm, đầu tư xây dựng trường tiểu học và THCS nhằm tạo điều kiện cho con em trong thôn được đi học”.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc