Multimedia Đọc Báo in

Thành tựu đáng tự hào của ngành Giáo dục Dak Lak

09:22, 10/03/2015

40 năm là khoảng thời gian không dài đối với sự nghiệp “trăm năm trồng người”, những thành tựu ngành Giáo dục Dak Lak  đạt được rất đáng ghi nhận. Giáo dục Dak Lak đang từng bước khẳng định vị trí và vai trò trong sự nghiệp phát triển, tạo nền tảng vững chắc để sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm giáo dục đào tạo vùng Tây Nguyên.

Nỗ lực xây dựng hệ thống giáo dục hoàn chỉnh

 Trong hồi ức của nhà giáo Hà Ngọc Đào, nguyên Phó Ban Giáo dục Dak Lak (1973-1975), Giám đốc Sở GD-ĐT (1993-2002), hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh thì: “Những ngày đầu giải phóng, giáo dục tỉnh nhà phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cả tỉnh chỉ có 161 cơ sở giáo dục, chủ yếu là các trường thuộc bậc tiểu học và trung học cơ sở, cơ sở vật chất trường học phần lớn tạm bợ và bán kiên cố, với khoảng 1 nghìn giáo viên. Hồi ấy, tình trạng mù chữ gần như phổ biến trong vùng dân tộc thiểu số”. Sau 40 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, nhờ sự nỗ lực chung của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, sự nghiệp giáo dục của tỉnh có những bước tiến vượt bậc về quy mô trường lớp, số lượng học sinh (HS), giáo viên, cơ sở vật chất cũng như chất lượng giáo dục. Năm học 2014-2015, toàn ngành có 987 trường học từ mầm non đến THPT, với 16.613 lớp, 448.642 HS, so với năm học đầu tiên sau giải phóng (1975-1976) tăng 862 trường (gấp 6 lần), 15.195 lớp (gấp 11 lần) và tăng 396.384 HS (gấp 8 lần); riêng HS dân tộc thiểu số (DTTS) tăng 106.637 em (gấp 5 lần). Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: “40 năm qua, ngành Giáo dục Dak Lak luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đem ánh sáng văn hóa đến với người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS những vùng trước giải phóng chưa có các hoạt động giáo dục. Không chỉ dạy chữ, dạy người, hoạt động giáo dục đã góp phần xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Với đặc thù một tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, ngành Giáo dục chú trọng công tác giáo dục HS DTTS, trong đó đã sớm đưa vào chương trình việc dạy tiếng mẹ đẻ (tiếng Êđê) để bảo tồn ngôn ngữ và phát huy bản sắc văn hóa của DTTS tại chỗ, đồng thời tăng cường dạy tiếng Việt để hỗ trợ  các em tiếp thu kiến thức tốt hơn. Việc dạy tiếng DTTS không chỉ tạo môi trường học tập thuận lợi, động viên HS đến trường, mà chất lượng giáo dục thực chất cũng được nâng lên. Năm 1999, tỉnh Dak Lak được công nhận đạt chuẩn Quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ, năm 2009 đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, năm 2010 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; hiện đang phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Cách TP. Buôn Ma Thuột hơn 100 km, Trường Mẫu giáo Cư Pui (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) là điểm sáng về ứng dụng công nghệ thông tin.
Cách TP. Buôn Ma Thuột hơn 100 km, Trường Mẫu giáo Cư Pui (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) là điểm sáng về ứng dụng công nghệ thông tin.

Một thành tựu rất đáng tự hào của giáo dục Dak Lak là đã xây dựng được một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh về cơ cấu, có đủ các trường học, ngành học từ mầm non cho đến phổ thông, trường nghề, CĐ, ĐH đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 14 trung tâm giáo dục thường xuyên, 183 trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn; 14 trung tâm tin học - ngoại ngữ; 8 trường và 2 phân hiệu trung cấp chuyên nghiệp, 4 trường cao đẳng, 2 trường đại học thu hút, đào tạo hơn 65.000 học sinh, sinh viên mỗi năm. Đáng tự hào hơn, Dak Lak được cả nước biết đến qua tỷ lệ HS thi đỗ cao vào các trường đại học, cao đẳng, HS giỏi quốc gia, học sinh giỏi Olympic truyền thống 30-4 và nhiều cuộc thi quốc gia khác. Chỉ riêng HS giỏi quốc gia, 40 năm qua đã có 1.039 em đoạt giải, năm học 2014-2015 có 35 em - dẫn đầu 10 tỉnh thuộc vùng thi đua số 4 của Bộ GD-ĐT.

Trăn trở với giải pháp sử dụng nguồn nhân lực

 Thành tựu đạt được trong 40 năm qua không nhỏ, nhưng cũng còn nhiều hạn chế và sự nghiệp GD-ĐT đang đặt ra nhiều nội dung quan trọng mà Ngành chưa giải quyết được hoặc không đủ thẩm quyền giải quyết. Đó là tình trạng dạy thêm - học thêm tràn lan, gia tăng bạo lực học đường, chất lượng liên kết đào tạo chưa cao, đặc biệt hiện nay là tình trạng lãng phí nguồn nhân lực đã qua đào tạo… Việc phân luồng và lập kế hoạch đào tạo hiện vẫn còn nhiều bất cập; các trường không có khả năng đào tạo vẫn mở ngành, mở lớp tuyển sinh; HS chưa xác định năng lực, trình độ, ngành nghề xã hội cần vẫn cứ học để có tấm bằng, không quan tâm đến nhu cầu việc làm của xã hội... hệ lụy là nhiều HS, sinh viên ra trường thất nghiệp, ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT trăn trở. “Hạn chế này thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước bởi chưa cân đối giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực, trong đó có trách nhiệm của ngành Giáo dục là chưa làm tốt việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho HS phổ thông”. Việc đào tạo theo chế độ cử tuyển hiện đang gây lãng phí rất lớn nguồn ngân sách của Nhà nước khi một lượng lớn sinh viên ra trường nhưng chưa bố trí được việc làm. Vì vậy, vài năm trở lại đây, ngành Giáo dục đã mạnh dạn đề xuất với UBND tỉnh tạm dừng chế độ cử tuyển đối với ngành Sư phạm, vì hiện nay, một lượng lớn sinh viên ra trường nhưng vẫn không tìm được việc làm. “Nếu không có giải pháp hỗ trợ các em tìm kiếm việc làm thì không chỉ lãng phí nguồn nhân lực được đào tạo bài bản mà các em còn trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do đó Dak Lak cần hết sức cân nhắc trong cử tuyển, cần sử dụng số sinh viên đã được đào tạo trước, sau đó nếu không đủ mới thực hiện chế độ cử tuyển. Đó mới là giải pháp giúp sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả hơn”, ông Phan Hồng chia sẻ.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên.
Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên.

Thấm nhuần theo lời dạy của Bác: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, hơn 36 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục tỉnh đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo vượt qua khó khăn để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Ngành Giáo dục Dak Lak đang góp phần cùng cả nước đào tạo nên thế hệ tương lai có đầy đủ sức khỏe, đạo đức, tri thức để làm người công dân tốt, phục vụ cho công cuộc xây dựng Dak Lak giàu đẹp và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Với những kết quả đạt được trong công tác GD-ĐT, năm 2008 ngành Giáo dục tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 2 Huân chương Lao động hạng Nhì; có 19 cán bộ, giáo viên được Nhà nước phong tặng Nhà giáo Ưu tú. Ngành Giáo dục còn được UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT tặng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc.

 Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.