Multimedia Đọc Báo in

Các trường đào tạo nghề gặp khó trong công tác tuyển sinh

06:32, 05/04/2015

Tuy đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hút người học, nhưng số lượng học viên đăng ký vào các trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề (TCN), cao đẳng nghề (CĐN) vẫn rất thấp. Điều này đang gây không ít khó khăn cho công tác đào tạo lao động có tay nghề trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, hiện nay toàn tỉnh có 42 cơ sở dạy nghề (trong đó có 2 trường CĐN, 3 trường TCN, 23 trung tâm dạy nghề và 14 cơ cở khác có tham gia dạy nghề). Những năm gần đây, có một thực trạng chung đối với các trường nghề này là khó khăn trong công tác tuyển sinh. Hằng năm, cứ đến mùa tuyển sinh, các trường nghề thường phải “chạy đôn chạy đáo” để tìm kiếm học viên. Mặc dù có rất nhiều chính sách ưu đãi như được hỗ trợ tiền khi theo học, học viên sau khi ra trường sẽ được giới thiệu việc làm ngay, đào tạo tay nghề cao theo yêu cầu của thị trường... nhưng số lượng học viên vào đăng ký nhập học vẫn rất ít. Chính vì vậy mà rất nhiều ngành nghề mở ra đào tạo theo yêu cầu, thậm chí theo “đơn đặt hàng”, nhưng các trường đành phải đóng cửa nhiều ngành học vì không tuyển được học viên.

Thầy Ngô Phạm Hồng Phước (đứng giữa), Trưởng bộ môn Cơ khí -  Khoa Cơ điện xây dựng, Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên đang giảng bài cho các học viên.
Thầy Ngô Phạm Hồng Phước (đứng giữa), Trưởng bộ môn Cơ khí - Khoa Cơ điện xây dựng, Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên đang giảng bài cho các học viên.

Năm 2014, Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên được giao chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo 1.200 học sinh, sinh viên (HSSV), trong đó có 400 sinh viên hệ cao đẳng nghề và 800 học sinh hệ trung cấp nghề. Tuy nhiên, trường chỉ tuyển được 333 sinh viên cao đẳng và 508 học sinh hệ trung cấp nghề (so với năm 2013 thì số học sinh được tuyển hệ trung cấp giảm khoảng 3%). Ông Ra Lan Vôn Ga, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên cho biết, hằng năm, nhà trường đã triển khai công tác tuyển sinh làm nhiều đợt để đáp ứng nhu cầu học tập và thu hút HSSV. Trường cũng thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng, các hội, đoàn thể và các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, vận động con em trên địa bàn đăng ký tham gia học nghề tại trường. Đồng thời tuyên truyền về những chính sách đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người học, đặc biệt là đối tượng người dân tộc thiểu số, đối tượng có hộ khẩu ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Thậm chí, nhà trường đã linh động phân công các giáo viên trong trường phụ trách từng địa bàn trong tỉnh, cùng phối hợp với chính quyền địa phương đó triển khai công tác đăng ký tuyển sinh tại chỗ…Tuy nhiên, để thu hút được đông đảo người học hiện vẫn còn là vấn đề nan giải.

Các học viên Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên thực hành nghề cơ khí hàn.
Các học viên Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên thực hành nghề cơ khí hàn.

Tại Trung tâm dạy nghề huyện Cư M’gar những năm gần đây, công tác tuyển sinh đào tạo nghề chủ yếu là đi đến tận các xã, thôn buôn trên địa bàn để kêu gọi người học và dạy tại chỗ. Từ đầu năm 2011 đến hết năm 2014, trung tâm chỉ tuyển sinh đào tạo được 25 lớp nghề cho 791 học viên, 9 lớp tập huấn cho 620 người tham gia học. Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Cư M’gar thì những năm gần đây người dân trên địa bàn rất ít chú trọng đến việc học và nâng cao tay nghề. Hiện, Trung tâm chủ yếu chỉ mở được các lớp nghề như sửa chữa xe máy, sửa chữa máy móc nông nghiệp, nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, nghề trồng trọt và chăn nuôi…; còn lại các ngành nghề như xây dựng dân dụng, kỹ nghệ nấu ăn, tin học văn phòng…hầu như không có người đăng ký học. Đối với các trung tâm dạy nghề khác như huyện Krông Pak, Cư Kuin, Buôn Đôn…cũng lâm vào tình cảnh chung như vậy. Bà Hoàng Thị Nam, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Krông Pak chia sẻ: Việc tuyển sinh dạy nghề đã khó khăn, vậy mà nhiều người sau khi tham gia học được ít hôm thì cũng tự động bỏ học giữa chừng. Năm học 2014 Trung tâm dạy nghề huyện Krông Pak có gần 10 học viên bỏ học giữa chừng mà nguyên nhân phần lớn là do ốm đau, lấy chồng, sinh con, có người thì đi làm ăn xa không muốn tham gia học nữa…

Theo ông Y Sa Phôn Niê Knơng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trường nghề khó tuyển sinh là bởi đa số học sinh học nghề là con em gia đình nghèo, thu nhập thấp, nhưng chính sách hỗ trợ cho đối tượng này hiện nay chưa đủ để trợ giúp họ. Học sinh có nhu cầu học nghề phần lớn có học lực trung bình, yếu, khi vào trường nghề các em vừa học nghề, vừa học văn hóa nên có tâm lý “ngại” học. Mặt khác, do gia đình và xã hội vẫn chưa nhận thức đầy đủ về trường nghề, nhiều bạn trẻ cho rằng học nghề là chỉ để đi làm thuê cho người khác… Điều này một phần là do thông tin tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp còn yếu, chưa làm cho xã hội, nhất là học sinh phổ thông, thanh niên hiểu đúng và lựa chọn học nghề phù hợp với khả năng, điều kiện của bản thân. Các doanh nghiệp thu hút lao động nghề trên địa bàn tỉnh còn ít, số việc làm dành cho lao động rất hạn chế, từ đó khiến nhiều bạn trẻ không thiết tha với việc học nghề để lập nghiệp.

Để giải quyết những khó khăn trên, theo ông Y Sa Phôn Niê Knơng, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc định hướng, phân luồng học sinh sau THCS. UBND tỉnh nên có cơ chế, chính sách huy động giáo viên dạy nghề giỏi, các nghệ nhân, công nhân có tay nghề cao, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư giỏi tham gia dạy nghề tại các trường. Đồng thời có chính sách hỗ trợ thêm cho học sinh học nghề như: miễn học phí hoàn toàn, hỗ trợ học bổng…Bên cạnh những giải pháp trên, các trường cần chủ động hơn trong việc liên kết với các trang web giới thiệu việc làm; gắn kết với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, vừa tạo việc làm cho học viên sau đào tạo, vừa tranh thủ sự hỗ trợ của doanh nghiệp cho nhà trường, học sinh…Có như vậy, việc thu hút học sinh học nghề mới có thể được cải thiện.

 Lê Thành


Ý kiến bạn đọc