Giáo dục nhân cách cho trẻ bằng văn học thiếu nhi
Ở lứa tuổi mầm non, với tâm hồn thơ ngây, trong trắng, chưa có nhiều những trải nghiệm, nhận thức về thế giới xung quanh còn ở mức cảm tính thì việc được tiếp xúc với cái đẹp lấp lánh của ngôn từ và trí tưởng tượng phong phú trong các tác phẩm văn học thiếu nhi sẽ góp phần rất lớn hình thành nên tích cách, tạo nên “thế giới quan” sơ khai cho trẻ, giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp về một thế giới bao la đầy âm thanh, màu sắc và sự huyền bí. Trong truyện cổ tích, trẻ được gặp ông Bụt, bà Tiên tốt bụng với những phép biến hóa thần thông, những nàng công chúa xinh đẹp, những chàng hoàng tử thông minh, can đảm… Trong truyện thần thoại, các em lại gặp lối nhân hóa và sự tưởng tượng nghệ thuật, ở đó các con vật, cỏ cây, hoa lá hiện lên một cách sinh động, thể hiện tình cảm gắn bó sâu sắc giữa con người với thiên nhiên. Trẻ thơ vốn đã sẵn trong đầu trí tưởng tượng phong phú nên khi gặp những yếu tố kì ảo, đẹp đẽ trong các tác phẩm văn học thì trí tưởng tượng ở trẻ càng được thăng hoa, giúp các em phát triển trí tuệ và thưởng thức cái đẹp, tâm hồn nhạy cảm, tinh tế hơn.
Văn học thiếu nhi có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ, cung cấp cho trẻ một vốn từ ngữ khổng lồ, đặc biệt là những từ ngữ nghệ thuật. Vì vậy, khi trẻ thường xuyên tiếp xúc với các tác phẩm văn học, vốn từ ngữ của các em phong phú và sống động hơn. Từ đó, các em tự hình thành cho mình khả năng diễn đạt vấn đề một cách mạch lạc, giàu hình ảnh và biểu cảm. Đối với trẻ mầm non, sự phát triển ngôn ngữ ấy thể hiện qua hoạt động bắt chước lời nói, việc làm của các nhân vật hoặc những cách diễn đạt trong tác phẩm. Chính quá trình trẻ được nghe kể diễn cảm truyện, thơ và được trực tiếp tham gia vào hoạt động đọc, kể lại truyện thơ sẽ giúp trẻ tích lũy và phát triển thêm nhiều từ mới. Điều này giúp chúng ta có thể dễ dàng hơn trong việc rèn luyện khả năng biểu cảm trong ngôn ngữ nói, ngôn ngữ miêu tả, ngôn ngữ đối thoại với trẻ.
Văn học lứa tuổi mầm non có nội dung phù hợp với thị hiếu, tâm lý trẻ thơ và hướng dẫn tới cái đẹp chân - thiện – mỹ. Việc phát huy phương tiện giáo dục này có lẽ là một điều cần thiết để làm thay đổi những cách giáo huấn khô khan, những lời dạy dỗ cứng ngắc song ít hiệu quả mà lâu nay chúng ta vẫn áp dụng với trẻ. Vì thế, trong môi trường giáo dục gia đình, cha mẹ cần tác động đến nhân cách trẻ em thông qua con đường văn học. Trẻ em ở lứa tuổi mầm non chưa biết đọc, biết viết nên việc tiếp xúc với văn học thiếu nhi chủ yếu là qua lời đọc, lời kể của ông bà, cha mẹ, thầy cô... Điều quan trọng là cha mẹ phải biết cách tạo hứng thú cho trẻ với việc đọc sách, cần nắm được những đặc điểm tâm lý của trẻ để chọn những tác phẩm phù hợp với tính cách của trẻ.
Nguyễn Thị Kim Hồng
(Khoa Sư phạm, Đại học Tây Nguyên)
Ý kiến bạn đọc