TP. Buôn Ma Thuột thí điểm thi tuyển hiệu trưởng
Từ ngày 12 đến 18-5, UBND TP. Buôn Ma Thuột tổ chức thí điểm kỳ thi tuyển chức danh hiệu trưởng 2 trường tiểu học (TH) Võ Thị Sáu và Phan Chu Trinh (nhiệm kỳ 2015-2020). Đây được xem là bước đột phá nhằm chọn người thực tài vào ghế lãnh đạo, phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
“Không thành tài thì thành nhân”
Tự tin, bản lĩnh là cảm nhận đầu tiên khi tiếp xúc với 6 ứng viên tham dự kỳ thi tuyển chức danh hiệu trưởng lần đầu tiên được tổ chức. Cô Đỗ Thị Hà, Phó Hiệu trưởng Trường TH Lê Hồng Phong chia sẻ: “Tôi đăng ký dự tuyển vào trường TH Võ Thị Sáu. Trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ I, và là một trong 4 trường TH triển khai thí điểm mô hình trường học mới VNEN-đây là chương trình có bước tiến đột phá về đổi mới phương pháp dạy-học. Nếu tiếp tục được quy hoạch, đầu tư đồng bộ chắn chắc đạt chuẩn quốc gia mức độ II theo lộ trình đề ra”. Theo cô Hà, để đạt mục tiêu trên, đội ngũ giáo viên là khâu then chốt. Ngạn ngữ có câu: “Một gánh sách không bằng một người thầy giỏi”, có thầy giỏi ắt sẽ có trò giỏi. Trước mắt sẽ tập trung trau dồi phẩm chất, năng lực cho đội ngũ giáo viên, có tinh thần trách nhiệm cao, chủ động sáng tạo trong giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động các nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng hiện đại phục vụ công tác đổi mới căn bản, toàn diện.
Các ứng viên tham dự kỳ thi tuyển chức danh hiệu trưởng. |
Cùng dự tuyển chức danh hiệu trưởng Trường TH Võ Thị Sáu, khi xây dựng đề án phát triển trường, thầy giáo Trần Văn Kỳ, Hiệu trưởng Trường TH Bùi Thị Xuân dành nhiều thời gian, tâm huyết khảo sát kỹ lưỡng từ công tác tổ chức, cơ sở vật chất, sự phối hợp giữa phụ huynh học sinh với nhà trường, với chính quyền địa phương, đề ra các giải pháp khả thi, phù hợp. Mặc dù đã đạt chuẩn quốc gia mức độ I nhưng năm 2016 sẽ kiểm định lại chất lượng giáo dục theo các tiêu chí mới với yêu cầu cao hơn, vì vậy tập thể Trường TH Võ Thị Sáu phải nỗ lực hơn nữa trong các hoạt động giáo dục. “Thi tuyển công khai rất hay, bổ ích. Qua việc chuẩn bị các phần thi: xây dựng, bảo vệ đề án và lý thuyết, tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Với kinh nghiệm 15 năm làm công tác quản lý ở các trường TH, bước vào kỳ thi này tôi rất tự tin. Việc bổ nhiệm lãnh đạo theo cách thi tuyển công khai sẽ giúp những người có năng lực, tâm huyết với nghề có cơ hội phát huy khả năng, thể hiện năng lực bản thân”, thầy Kỳ cho hay.
Cùng suy nghĩ trên, cô Đặng Thị Hải Yến (sinh năm 1974), Phó Hiệu trưởng Trường TH Phan Chu Trinh cho biết: “Qua kỳ thi không thành tài thì cũng thành nhân. Vì tham dự kỳ thi, các ứng viên phải sự chuẩn bị chu đáo, bài bản chuyên môn, kỹ năng sư phạm và kiến thức quản lý nhà nước. So với 5 ứng viên khác, tôi có lợi thế là dự tuyển tại đơn vị công tác. Hơn ai hết tôi hiểu rõ cặn kẽ ngôi trường mình đang quản lý, do đó các giải pháp đưa ra để xây dựng, phát triển trường trong thời gian tới sát sườn hơn”. Trong 5 giải pháp xây dựng Trường TH Phan Chu Trinh trở thành trường tiên tiến hiện đại, đạt chuẩn quốc gia mức độ II năm học 2019-2020, cô Yến đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, chỉ có chất lượng mới tạo nên thương hiệu nhà trường.
Chọn người có năng lực
Ý tưởng tổ chức công khai kỳ thi tuyển chức danh hiệu trưởng được Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột ấp ủ từ lâu nhằm tuyển chọn những cán bộ quản lý thực sự có năng lực, có tâm, có tầm lãnh đạo các trường tiểu học trên địa bàn TP, đặc biệt là những trường trọng điểm. Sau khi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, phòng GD-ĐT TP chọn cách làm của TP. Đà Nẵng. Thi tuyển công khai tạo ra tính cạnh tranh, công bằng, giúp các thầy cô giáo tự tin trải nghiệm, cống hiến. Hội đồng thi tuyển niêm yết chỉ tiêu, điều kiện dự tuyển để ứng viên có nhu cầu căn cứ vào năng lực của mình đăng ký. Để tạo sự khách quan và cạnh tranh, mỗi vị trí dự tuyển có ít nhất có 3 ứng viên dự thi nhưng phải là cán bộ quản lý các trường TH công lập trên địa bàn TP và thuộc diện quy hoạch. Bà Trương Thị Minh Nguyệt, Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột khẳng định: “6 ứng cử viên tham gia kỳ thi tuyển chức danh hiệu trưởng lần này là những cán bộ có bản lĩnh, dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Ngoài bản lĩnh, những ứng viên này còn có những năng lực cần thiết khác đã thể hiện rõ trong Đề án xây dựng, phát triển trường giai đoạn 2015-2019 mà mình dự tuyển, rồi trên bài thi về lý thuyết (gồm 2 phần: hiểu biết về Luật Công chức viên chức giáo dục và năng lực quản lý). Rõ ràng cả 6 ứng cử viên phải chuẩn bị kỹ lưỡng tất cả các phần thi, đây chính là dịp để mỗi người nâng cao kiến thức chuyên môn, thực hiện tốt hơn công tác quản lý giáo dục. Trong kỳ thi tuyển lần này, không ít ứng viên là cán bộ quản lý trẻ, ít có bề dày thành tích nhưng bù lại có khát vọng, năng động và đặc biệt là năng lực chuyên môn, quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong tình hình hiện nay”.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nhất thiết phải bắt đầu từ đổi mới công tác quản lý, là giải pháp cốt lõi để thực hiện tốt sự nghiệp đổi mới giáo dục mà Đảng và Nhà nước đang quyết tâm thực hiện. Đội ngũ cán bộ quản lý ví như “đầu tàu”, nếu không đổi mới thì khó thực hiện các nhiệm vụ đổi mới liên quan khác như: đổi mới cách dạy, cách học và cách quản lý... Việc thi tuyển công khai, minh bạch góp phần gạt bỏ tình trạng “chạy chức chạy quyền” trong công tác bổ nhiệm, đề bạt theo cách làm lâu nay mà dư luận lên án.
Với số điểm đạt được qua 2 phần thi và điểm ưu tiên là 56.2 điểm, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1973), Phó Hiệu trưởng Trường TH Lê Thị Hồng Gấm trúng tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường TH Võ Thị Sáu. Trúng tuyển Hiệu trưởng Trường TH Phan Chu Trinh là cô giáo Đặng Thị Hải Yến (sinh năm 1974), hiện đang giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường TH Phan Chu Trinh (đạt 51.1 điểm). |
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc