Multimedia Đọc Báo in

Sĩ tử không còn chuộng luyện thi tại "lò"

08:58, 29/06/2015

Những năm trước, sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, sĩ tử lại đổ xô về các “lò” luyện thi để ôn tập. Thế nhưng năm nay, từ việc đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) đã thay đổi phương pháp “dùi mài kinh sử”, các thí sinh không còn mặn mà với cách luyện thi tại các trung tâm...

“Lò” luyện thi vắng sĩ tử

Hằng năm, cứ vào thời điểm cuối tháng 5 các “lò” luyện thi cấp tốc trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột lại bắt đầu giai đoạn hoạt động hết công suất. Nhiều “lò” có số lượng người đăng ký học đông phải tăng ca, dạy kín lịch cả ngày lẫn đêm… Vậy mà năm nay, hầu hết các trung tâm, cơ sở luyện thi đại học đều vắng người học một cách lạ thường.

Cơ sở luyện thi Đại học Tây Nguyên (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột), những năm trước đây được xem là nơi có đông học sinh đăng ký luyện thi nhiều nhất trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Thế nhưng những ngày này Cơ sở khá vắng vẻ. Thầy Trần Văn Bằng, phụ trách công tác tuyển sinh của Cơ sở cho biết, nếu như thời điểm này năm trước, trung bình mỗi khóa học (5 tuần), Cơ sở mở từ 6 - 8 lớp khác nhau ở tất cả các khối A, B, C, D, M, thậm chí mỗi ngày có 4 - 5 ca học, với số lượng học sinh mỗi ca từ 30 - 50 học sinh. Thế nhưng năm nay chỉ còn mở được 3 lớp (khối A, B có 15 học sinh/lớp, riêng khối C chỉ có 3-4 người học) và mỗi ngày dạy 2 ca, giảm trên 80% số lượng học sinh đăng ký học.

Một lớp học toán tại Cơ sở luyện thi Đại học Tây Nguyên  (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) khá ít học sinh.
Một lớp học toán tại Cơ sở luyện thi Đại học Tây Nguyên (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) khá ít học sinh.

Ở các tuyến đường gần Trường Đại học Tây Nguyên như Lê Thị Riêng, Nguyễn An Ninh, Y Wang (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) có khoảng trên 10 cơ sở, điểm luyện thi đại học. Những ngày qua có khá nhiều “lò” “cửa đóng then cài”, dù ngoài cổng vẫn treo biển tuyển các khóa mới. Một thầy giáo dạy toán trên đường Lê Thị Riêng tâm sự: Do nhu cầu của học sinh đến ôn thi hằng năm khá đông nên thầy đã mở lớp dạy tại nhà. Những năm trước thầy dạy mỗi ngày 4 ca, mỗi ca có khoảng 60 học sinh. Thế nhưng từ đầu tháng 6 vừa qua do ít học sinh đến đăng ký nên thầy giảm học phí xuống 300 nghìn đồng/khóa (giảm hơn 50% so với năm ngoái), vậy mà cũng chỉ tổ chức được 1 lớp với 20 em.

Không nhất thiết ôn thi tại “lò”

Năm nay, hình thức luyện thi cấp tốc tại “lò” không còn là phương pháp được các em học sinh ưu tiên lựa chọn như những năm trước, thay vào đó là những kế hoạch ôn thi khoa học và chủ động hơn tại nhà hoặc tại các trường. Ngoài ra, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và đổi mới công tác tuyển sinh vào ĐH - CĐ đã tác động nhiều đến tâm lý của học sinh.

Em Trần Thị Huyền Trân, học sinh Trường THPT Hồng Đức (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, những ngày qua thời tiết khá nóng nực, trong khi các phòng học tại “lò” luyện thi thường chật hẹp mà có hàng chục người ngồi chen chúc nhau rất ngột ngạt, ảnh hưởng không tốt đến việc tiếp thu kiến thức. Vì vậy em chọn cách ôn thi tại nhà, trực tuyến qua Internet. Mỗi ngày, em dành khoảng 80 phút để truy cập những trang web phục vụ cho học sinh đang ôn thi đại học, tìm những dạng đề bài mới và cách giải hiệu quả.

Còn em Lê Thành Đạt ở thôn Ea Ly, xã Ea Wel (huyện Buôn Đôn) chia sẻ: Đầu tháng 6 vừa qua em cũng lên TP. Buôn Ma Thuột để tìm “lò” luyện thi, nhưng khi đăng ký nhập học thì thấy học phí cao quá. Nếu học cả 3 môn khối C thì khoảng 2 triệu đồng/khóa, chưa kể tiền ăn, thuê nhà trọ và chi phí sinh hoạt cá nhân khác cũng tốn thêm 4 triệu đồng nữa. Bên cạnh đó, nhiều năm trở lại đây, đề thi đại học được các anh chị lớp trước đánh giá là khá sát với chương trình học THPT. Chính vì thế, chỉ cần học và nắm đầy đủ chương trình trong sách giáo khoa cũng có thể đạt được điểm 7, đủ để có thể đỗ vào một số trường đại học. Vì vậy em tự ôn tập tại nhà và tham gia lớp ôn thi do nhà trường tổ chức. Đạt cho biết thêm, để có kết quả cao trong kỳ thi sắp tới, em đã lên kế hoạch chi tiết học cho cả năm học lớp 12. Theo đó, em tập trung ôn tập lại những kiến thức đã học trong sách giáo khoa, những cách triển khai ý trong bài học mà thầy cô trên lớp đã giảng sao cho dễ nhớ, dễ học. Năm nay, em đăng ký vào ngành Ngữ văn, Trường Đại học Tây Nguyên, do đó, không chỉ dừng lại ở việc ôn tập các môn văn – sử - địa, mỗi buổi tối em đều xem chương trình thời sự để cập nhật thêm thông tin, sự kiện diễn ra hằng ngày để bổ sung kiến thức, phục vụ cho kỳ thi sắp tới.

 Lê Quốc


Ý kiến bạn đọc