Multimedia Đọc Báo in

Định hướng giá trị học vấn và mục đích của sự học

08:29, 18/07/2015
Trong những ngày đầu tháng 7, hình ảnh phụ huynh có con tham dự kỳ thi THPT quốc gia đứng ngồi trong tâm trạng bồn chồn, lo lắng suốt các buổi thi khá phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
 
Mướt mải mồ hôi, ánh mắt không giấu nổi vẻ sốt ruột xen lẫn niềm hy vọng... đã là hình ảnh quen thuộc của những bản tin liên quan tới kỳ thi. Phần nhiều trong số phụ huynh là những nông dân hoặc người lao động chân tay lam lũ, tiền bạc eo hẹp nhưng không tiếc công, tiếc của đưa con đi thi. Những hình ảnh đó thể hiện khát vọng của cha mẹ, mong muốn con cái có học vấn ngày càng cao với một tương lai tốt đẹp hơn.

Những cuộc trò chuyện với phụ huynh cho thấy, họ thường an phận với công việc hiện nay của mình như một thực tế không thể thay đổi. Nếu có ly nông thì cũng chỉ là dịch chuyển từ loại hình lao động chân tay này sang loại hình lao động chân tay khác. Thu nhập từ nông nghiệp hoặc lao động chân tay vẫn bảo đảm nhu cầu lương thực của cả gia đình, dẫu trong nhiều trường hợp chỉ là có thể bảo đảm nhu cầu lương thực tối thiểu. Nhưng hầu như không có phụ huynh nào mong muốn con mình tiếp tục làm nghề nông vì nông nghiệp hiện nay thường gắn liền với những hình ảnh lam lũ, bất ổn định về thu nhập và thiếu chắc chắn.

Hy vọng con cái học hành, thi cử và đỗ đạt để có được công việc an nhàn, ổn định, không vất vả lam lũ như cha mẹ... dường như là những động lực khiến các bậc cha mẹ sẵn sàng đầu tư cho con đi học, đi thi bất chấp thực trạng thất nghiệp và chế độ tiền lương thấp đang diễn ra. Khát vọng con cái thoát ly khỏi loại hình lao động chân tay dựa vào con đường thi cử được củng cố bởi cuộc sống an nhàn của những người đỗ đạt cao. Điều này thật dễ hiểu vì cha mẹ nào mà không mong cuộc sống của con mình an nhàn và ổn định. Và nó cũng phản ánh thực trạng và xu hướng chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp ở xã hội nông thôn hiện nay.

Vấn đề đặt ra là, đối với nhiều phụ huynh, có lẽ ý nghĩa của sự học nằm ở hy vọng về cuộc sống an nhàn, ổn định nhiều hơn ở mục đích học để phát triển năng lực của con mình, và thông qua đó giúp con làm chủ cuộc đời. Học để thi và hy vọng chứ thực sự phụ huynh cũng chưa xác định được thi đỗ rồi, có bằng đại học rồi sẽ làm gì. Điều này cũng lại dễ hiểu trong bối cảnh nền giáo dục hiện nay: học để thi và dạy để lấy thành tích nhiều hơn là để khai sáng.

Một vấn đề nữa là, nếu vẫn xem những học sinh không lựa chọn thi đại học hoặc thi đại học không đỗ là biểu hiện của sự thấp kém và thất bại thì thật không công bằng và hơn nữa còn là chỉ báo cho thấy sự thiếu hụt trong cái nhìn về mục đích của sự học.                                      

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc