Multimedia Đọc Báo in

Những khó khăn trong dạy và học môn Ngữ văn ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên

19:09, 18/07/2015
Văn học là một bộ môn có vai trò hết sức quan trọng ở trường phổ thông. Vì vậy, bất kỳ giáo viên giảng dạy nào cũng mong muốn có những tiết dạy tốt, mang lại cho các em niềm phấn khởi, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
 
Tuy nhiên, đối với hệ Giáo dục thường xuyên (GDTX), với nhiều lý do khác nhau, môn Ngữ văn ở bậc trung học phổ thông (THPT) đang đứng trước nhiều khó khăn khi nhìn từ thực trạng dạy học hiện nay.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thị xã Buôn Hồ) trong giờ ôn tập.    Ảnh: Nguyên Hoa
Học sinh lớp 12 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thị xã Buôn Hồ) trong giờ ôn tập. Ảnh: Nguyên Hoa

Trước hết, học viên học tại các trung tâm GDTX phần lớn rơi vào đặc điểm chung mà mọi người quen nói hình ảnh là "hạt gạo dưới sàng" vì rất nhiều học sinh ở đây không đủ điểm xét tuyển vào các trường THPT công lập thì mới về học ở trung tâm GDTX. Nhiều học sinh chỉ đạt điểm thi môn Ngữ văn từ 0,5 - 2 điểm. Đó đã là một rào cản rất lớn khiến học viên khó có thể vươn lên học lực trung bình. Một số đối tượng quay lại học đường sau một thời gian gián đoạn vì bỏ học, kiến thức phần lớn đã rơi vãi, khả năng tiếp nhận kiến thức cũng chậm hơn nên gặp khó khăn khi tiếp cận môn Ngữ văn đã có nhiều những thay đổi nội dung dạy học, đánh giá và kiểm tra chủ yếu theo hướng phát huy năng lực của người học như hiện nay. Ngoài ra, tại các trung tâm GDTX có nhiều học viên người dân tộc thiểu số và rào cản lớn nhất đối với những học viên này khả năng diễn đạt tiếng Việt. Các học viên thuộc đối tượng này phần lớn luôn chú ý nghe giảng bài và cũng nắm bắt được bài giảng, nhưng khi làm bài kiểm tra hoặc bài thi, lại không thể diễn đạt lưu loát, thậm chí rất vụng về, mắc nhiều lỗi chính tả về từ ngữ, thanh điệu, dấu câu... Trước đây, mỗi lần chấm thi tốt nghiệp, hội đồng chấm bao giờ cũng giao bài thi cho giáo viên trực tiếp giảng dạy các trung tâm GDTX trực tiếp chấm, nhờ đó giáo viên hiểu được học viên của mình nên thường châm chước bỏ qua những lỗi do rào cản về ngôn ngữ. Tuy nhiên, với hình thức nghiêm ngặt của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm nay, thí sinh mắc lỗi như vậy sẽ bị trừ điểm rất nhiều. Để sửa những lỗi này, quan trọng là phụ thuộc vào sự rèn luyện của chính học sinh như xây dựng thói quen đọc sách, tập phát âm cho chuẩn, thường xuyên sử dụng tiếng Việt ở mọi nơi cho quen bởi trên lớp thầy cô chỉ rèn luyện một phần vì thời gian không cho phép.

Có thể nói, với thực trạng dạy học môn Ngữ văn tại các trung tâm GDTX hiện nay, rất khó áp dụng các phương pháp mới trong giảng dạy và nếu áp dụng, chắc chắn tiết dạy của giáo viên không thể bảo đảm về mặt thời gian, thường là "cháy” giáo án nếu sử dụng phương pháp thảo luận nhóm để học viên tự mình năng động chiếm lĩnh bài giảng. Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm nay, học viên GDTX phải thi chung đề với các em ở các trường công lập là một áp lực lớn.  Đặc biệt, từ kỳ thi tốt nghiệp 2014, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn đã có những thay đổi lớn, trong đó có phần đọc hiểu đòi hỏi thí sinh phải tự mình khám phá văn bản và trả lời các câu hỏi cần thiết, đây có lẽ là chỗ khó khăn nhất của các học viên GDTX vì phần lớn các em không làm được những câu hỏi ở mức độ thông hiểu và vận dụng.

Việc dạy và học môn Ngữ văn ở các trung tâm GDTX là một vấn đề nan giải hiện nay, không dễ có ngay biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng. Quyết tâm của thầy cô giáo trực tiếp dạy học là chưa đủ; chất lượng đầu vào, sự nỗ lực cố gắng của các học viên theo học lại là yếu tố vô cùng quan trọng để đạt kết quả cao.

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.