Multimedia Đọc Báo in

Cần lắm những kỳ thi nghiêm túc, công bằng

09:47, 08/08/2015

Những ngày gần đây, trên các diễn đàn lại “nóng” lên với tranh luận về những đều được và chưa được của kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên.

Có nhiều ý kiến trái chiều như môn thi bắt buộc chưa phù hợp; đề thi một số môn quá khó; việc xét tuyển, chọn trường sẽ khó khăn... Tuy nhiên, nhiều nhất vẫn là các ý kiến tranh luận về việc có nên hay không nên giao cho các địa phương tự đứng ra tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và lấy kết quả đó xét tuyển vào đại học.

Lý do dẫn đến các lo ngại trên là suy nghĩ sẽ khó có công bằng, khách quan trong việc tổ chức thi do các địa phương có tâm lý muốn tạo điều kiện cho con em mình nên việc coi thi cũng như chấm thi dễ dãi giúp các em đạt điểm cao, tỷ lệ đỗ đại học sẽ cao, ngược lại địa phương nào thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ thì tỷ lệ đỗ đại học sẽ thấp. Dưới góc độ bài viết này, chỉ xin đề cập đến ý nghĩa, tầm quan trọng cần phải tổ chức các kỳ thi thật sự nghiêm túc, công bằng, không chỉ đối với kỳ thi THPT quốc gia mà tất cả các cuộc thi khác trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đánh giá đúng năng lực, trình độ của các cá nhân trong xã hội.

Có thể khẳng định, để đánh giá năng lực, trình độ của học sinh, sinh viên, học viên thì không có cách nào khác ngoài việc tổ chức các kỳ thi. Chỉ có các kỳ thi mới là nơi đánh giá chính xác, khách quan trình độ, năng lực của người học và là nơi tuyển chọn ra nhân tài phục vụ cho đất nước, xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức các kỳ thi như thi tốt nghiệp THPT, thi đại học, thi sau đại học cũng như thi tuyển dụng, nâng ngạch cho cán bộ, công chức, viên chức hiện nay có một số trường hợp đang bị biến tướng theo chiều hướng tiêu cực, lệch lạc rất nghiêm trọng, phức tạp. Chính vì vậy đã làm cho các kỳ thi mất đi mục đích, ý nghĩa tích cực vốn có của nó, đồng thời còn là “địa bàn”, mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, tiêu cực sinh sôi, nảy nở và trở thành vấn đề xã hội phức tạp, nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân.

Muốn các kỳ thi công bằng, khách quan thì phải bảo đảm đồng bộ ở tất cả các khâu gồm tổ chức thi, coi thi và chấm thi. Cả 3 khâu trên không thể xem nhẹ bất cứ khâu nào. Bởi vì, không những công tác coi thi mà chấm thi cũng rất quan trọng, như dân gian thường có câu “bài làm của mình nhưng điểm là của thầy”. Do đó, nếu chỉ chặt chẽ khâu coi thi nhưng lại bỏ qua khâu chấm thi thì tình trạng tùy tiện theo kiểu “ghét cho điểm thấp, thương cho điểm cao”, nhất là các môn tự luận là khó tránh khỏi. Đặc biệt đối với việc các kỳ thi, kiểm tra trình độ ở trường đại học, sau đại học, thi nâng ngạch hoặc lý luận chính trị... nếu không công tâm, khách quan thì cán bộ chấm thi vẫn có thể xảy ra tiêu cực. Song song với đó muốn các kỳ thi nghiêm túc, công bằng thì việc áp dụng công nghệ thông tin vào các cuộc thi là rất cần thiết, sớm quan tâm triển khai, trước mắt là ở các kỳ thi quan trọng như thi công chức, viên chức, thi nâng ngạch...

Thiết nghĩ, kỳ thi lớn hay nhỏ thì việc tổ chức kỳ thi công bằng, khách quan, trung thực là điều mong mỏi, ước muốn của đông đảo quần chúng nhân dân. Do đó, ngành Giáo dục bên cạnh việc nghiên cứu cải cách, đổi mới giáo dục cần dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc tổ chức các cuộc thi. Theo đó, tăng cường quản lý, tổ chức các cuộc thi thật sự nghiêm túc, công bằng, trung thực, khách quan nhằm đánh giá sát, đúng năng lực, trình độ học sinh, sinh viên và hiệu quả của việc đổi mới, cải cách giáo dục. Ngoài ra, cần tăng cường tiến hành các cuộc thanh tra, phúc tra đột xuất đối các bài thi lưu của các thí sinh để đánh giá sự nghiêm túc, công bằng của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Qua đó sẽ kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm cũng như biểu dương, phát huy những ưu điểm, nhân tố mới trong công tác dạy và học. Điều này không những góp phần chấn hưng nền giáo dục hiện đang khá lúng túng, chưa có phương hướng rõ ràng, hiệu quả mà còn tạo tiền đề, động lực động viên, khích lệ mọi người trong xã hội tích cực, hăng say trong học tập, nghiên cứu đưa nền giáo dục nước ta ngày càng tiến bộ, để từ đó có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

                                                                                    Vĩnh Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.