Rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa vùng ven, vùng dân tộc thiểu số và trung tâm thành phố
Nhờ tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên; đặc biệt tranh thủ sự đầu tư của các dự án, nên khoảng cách giáo dục vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và thành thị của TP. Buôn Ma Thuột đang dần được rút ngắn.
Sức bật của các trường vùng ven
Cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột 10 km, Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (xã Hòa Khánh) nhiều năm liền đạt danh hiệu Trường Tiên tiến xuất sắc, dẫn đầu cụm thi đua số 9 của Phòng GD-ĐT; là một trong ít trường vùng ven được UBND tỉnh công nhận đạt Chuẩn quốc gia mức độ I vào năm 2012. Năm học 2012-2013, nhà trường được dự án SEQUAP (Chương trình bảo đảm chất lượng giáo dục trường học do Ngân hàng Thế giới, Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh, Cơ quan phát triển Vương quốc Bỉ tài trợ) đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ tiền ăn trưa cho 132 HS có hoàn cảnh khó khăn để tổ chức học 2 buổi/ngày, nhờ đó sĩ số được duy trì, chất lượng giáo dục nâng lên rõ rệt. Liên tục 3 năm gần đây, trường huy động 100% trẻ trong độ tuổi ra lớp 1, không có HS bỏ học, tỷ lệ HS lên lớp đạt trên 99%; đặc biệt tỷ lệ HS xếp loại xuất sắc toàn diện chiếm trên 42%. Cô Trần Thị Hường, Hiệu trưởng cho biết: “Nhờ sự quan tâm của UBND thành phố, ngành giáo dục nhà trường có cơ ngơi khang trang với 23 phòng học, phòng chức năng được trang bị đầy đủ thiết bị theo hướng chuẩn như: bảng chống lóa, bàn ghế 2 chỗ ngồi, ánh sáng bảo đảm; có hệ thống sân chơi, bãi tập rộng, cây xanh thoáng mát cho hơn 500 HS vui chơi, học tập. Đây là điều kiện cũng là động lực để năm học 2015-2016 thầy và trò tiếp tục phấn đấu giữ vững danh hiệu Tiên tiến xuất sắc”.
Cô và trò Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng trước thềm khai giảng năm học mới 2015-2016. |
Tương tự Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (buôn Dhăp Prông, xã Cư Êbur) những năm gần đây cũng được đầu tư cơ sở vật chất khang trang gồm 10 phòng học, 6 phòng chức năng để tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho gần 260 HS, trong đó hơn 95% là HS DTTS tại chỗ. Cô H’Wing Ênuôl, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước đây, việc huy động trẻ ra lớp gặp nhiều khó khăn do nhận thức của phụ huynh, nhưng từ năm 2010 trường, lớp học được xây dựng kiên cố, HS DTTS được cấp sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập, đặc biệt một số em có hoàn cảnh khó khăn còn được Dự án SEQUAP hỗ trợ tiền ăn trưa phần nào giúp phụ huynh giảm bớt chi phí học tập”. Cùng với đó, để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, nhà trường phân loại HS bồi dưỡng, phụ đạo giúp nắm vững kiến thức, cùng với đó là tăng cường dạy tiếng dân tộc (tiếng mẹ đẻ) 4 tiết/tuần, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa theo chủ điểm để các em nâng cao khả năng nói, viết tiếng Việt. Nhờ vậy, nhiều năm học trở lại đây trường không có HS bỏ học.
Còn đó những ưu tư
Những năm qua, sự nghiệp GD-ĐT của thành phố luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nhờ đó quy mô trường lớp phát triển nhanh, chất lượng giáo dục không ngừng nâng lên, luôn dẫn đầu toàn tỉnh ở các kỳ thi văn hóa, thể dục thể thao và nhiều hoạt động khác. Toàn thành phố có 123 trường học từ mầm non đến trung học cơ sở, 1.954 lớp học, với hơn 69 nghìn HS, trong đó HS dân tộc thiểu số 8.560 em. Đội ngũ giáo viên phát triển về số lượng, chất lượng, trong đó cán bộ, giáo viên đạt trình độ trên chuẩn là 70,3%. Nhờ đó nhiệm vụ GD-ĐT đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra. Đáng phấn khởi là chênh lệch khoảng cách giáo dục giữa vùng ven, vùng DTTS và vùng trung tâm dần được rút ngắn. Bà Trương Thị Minh Nguyệt, Trưởng Phòng GD-ĐT thẳng thắn cho biết: “Xét về tổng quan thì như vậy, nhưng nếu cận cảnh công tác giáo dục vùng ven, vùng DTTS thì vẫn còn những ưu tư. Đó là tỷ lệ huy động HS DTTS ra lớp chỉ đạt 47,4%, trong đó trẻ dưới 2 tuổi mới đạt 6,5%. Trẻ em DTTS, vùng nông thôn suy dinh dưỡng, nhẹ cân, thấp còi chiếm tỷ lệ 5,8%, trong khi đó toàn ngành là 3,5%; chất lượng phát triển 5 mặt: thể chất, nhận thức, tình cảm, ngôn ngữ, thẩm mỹ còn cao 7,1% (toàn ngành 2,8%). Đáng quan ngại là năm học 2014-2015 còn 276 em DTTS ở lại lớp, 5 em chưa hoàn thành chương trình tiểu học. HS DTTS cấp THCS xếp loại học lực khá, giỏi chiếm 20% (toàn ngành 60%)…”
Để từng bước đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục vùng nông thôn, vùng DTTS, ngành Giáo dục sẽ phối hợp với phòng Nội vụ tuyển giáo viên trẻ, có năng lực, nhiệt tình về công tác tại các trường vùng ven, vùng DTTS; ưu tiên bổ nhiệm cán bộ quản lý, giáo viên người tại chỗ. Phối hợp chặt chẽ các ban ngành, đoàn thể cùng chính quyền địa phương và Ban đại diện cha mẹ HS tuyên truyền, vận động HS ra lớp. Đồng thời động viên các trường tổ chức bán trú, bảo đảm 100% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày, nâng tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở bậc THCS… giúp duy trì tốt sĩ số, hạn chế tình trạng HS bỏ học, nâng cao chất lượng dạy và học.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc