Ưu đãi đào tạo trình độ đại học phục vụ phát triển nhân lực vùng
Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn mới về đào tạo nhân lực trình độ đại học, thạc sĩ của các địa phương thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, áp dụng từ năm học 2015-2016.
Theo đó đối tượng tuyển sinh trình độ đại học là những thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông có hộ khẩu thường trú từ 36 tháng trở lên tại các tỉnh trong khu vực, đáp ứng yêu cầu tuyển sinh của cơ sở đào tạo, có nguyện vọng và cam kết sau khi tốt nghiệp đại học về làm việc tại địa phương; ưu tiên xét tuyển những thí sinh thuộc diện chính sách (con thương binh, liệt sĩ, đồng bào dân tộc thiểu số, con hộ nghèo, hộ cận nghèo…) nếu có cùng mức điểm xét tuyển. Đối với trình độ thạc sĩ là những cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý các doanh nghiệp hiện đang công tác tại các đơn vị đóng trên địa bàn các tỉnh trong khu vực.
Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên trong giờ thực hành. Ảnh minh họa |
Trình độ đại học sẽ tuyển sinh theo hình thức xét tuyển. Các cơ sở đào tạo tham gia đào tạo nhân lực cho các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được bổ sung (đối với các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu) và sử dụng (đối với các trường chưa tuyển sinh đủ chỉ tiêu) không quá 5% tổng chỉ tiêu chính quy. Không tuyển bổ sung đối với các ngành thuộc nhóm ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, ngành Báo chí.
Các trường sử dụng điểm của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển thì tổng điểm 3 môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển không thấp hơn quá 2 điểm so với điểm trúng tuyển của ngành học và không thấp hơn ngưỡng bảo đảm chất lượng xét tuyển ĐH do Bộ GD-ĐT quy định. Riêng thí sinh được các tỉnh gửi đến xét tuyển tại các trường ĐH trong vùng thì ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào có thể giảm 1 điểm.
Các trường tuyển sinh theo đề án xét tuyển riêng đã được Bộ GD-ĐT xác nhận phải quy đổi điểm xét tuyển theo đề án sang thang điểm 30, không được thấp hơn quá 2 điểm so với điểm trúng tuyển quy đổi của ngành học. Trình độ thạc sĩ phải thi tuyển theo quy định hiện hành.
Công văn này cũng nêu trách nhiệm của UBND tỉnh trong xác định nhu cầu nhân lực hằng năm, xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của vùng; lựa chọn các cơ sở đào tạo phù hợp để gửi thí sinh đi đào tạo; thành lập Hội đồng tuyển chọn... Đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ phối hợp hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương trong vùng quy hoạch nhân lực, xác định nhu cầu nhân lực cần đào tạo... cũng như trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc