Xã hội hóa giáo dục ở thị xã Buôn Hồ: Nhìn từ xây dựng cơ sở vật chất
Những năm qua, hệ thống cơ sở vật chất từ trường lớp, trang thiết bị dạy và học của các điểm trường trên địa bàn thị xã Buôn Hồ luôn được củng cố, phát triển góp phần đáp ứng nhu cầu học tập cho con em các dân tộc. Có được kết quả này là nhờ việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; đặc biệt là sự đóng góp, hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân.
Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (phường Thống Nhất) từ nhiều năm nay được biết đến là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đặc biệt trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan trường học. Ngôi trường đã và đang mang một diện mạo mới nhờ sự đóng góp của phụ huynh học sinh và nhà tài trợ qua các năm học như: năm học 2010-2011 huy động đóng góp 113 triệu đồng; 2011-2012 là 125 triệu đồng; 2012-2013 với số tiền 203 triệu đồng, 2013 - 2014 là 237 triệu đồng, 2014-2015 trên 145 triệu đồng. Quá trình thực hiện xã hội hóa giáo dục đều được triển khai thống nhất ngay từ đầu năm học trên tinh thần tự nguyện của người dân, tùy theo hoàn cảnh của từng gia đình, người đóng góp 300 nghìn đồng, có người 50 nghìn đồng hoặc 100 nghìn đồng, những phụ huynh nghèo thì không đóng góp... Đặc biệt, nhiều đơn vị tư nhân, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn phường đã tích cực ủng hộ đóng góp xây dựng nhà trường. Đơn cử như Doanh nghiệp tư nhân Viết Hiền (đóng chân trên địa bàn phường) thường xuyên ủng hộ vật liệu xây dựng các công trình như cát, đá, xi măng... trong nhiều năm học. Điều đáng nói là việc thu chi đều do Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện, chính quyền địa phương giám sát và nhà trường công khai minh bạch trước các cuộc họp, nhờ vậy phụ huynh học sinh, nhà tài trợ đều tin tưởng khi đóng góp xây dựng. Cụ thể trong năm học vừa qua, từ nguồn xã hội hóa, nhà trường đã xây mới phòng học ngoại ngữ với đầy đủ trang thiết bị; đồng thời sửa chữa khu phòng học, nhà vệ sinh cho học sinh... tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác giảng dạy.
Hiện nay, nhà trường có 20 phòng học văn hóa, 1 phòng học ngoại ngữ, 1 phòng tin học, thư viện, nhà đa chức năng, hệ thống tường rào kiên cố, công trình công cộng từ nhà vệ sinh đến hệ thống nước sạch bảo đảm đáp ứng nhu cầu dạy và học theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT... Cô Nguyễn Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành chia sẻ: "Với cách làm đúng, công khai, minh bạch, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học nên công tác xã hội hóa giáo dục đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Có thể nói, chính sự tham gia, liên kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương".
Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Bình Tân) được xây dựng khang trang nhờ nguồn xã hội hóa. |
Tương tự, tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Bình Tân), với sự chung tay, góp sức của các mạnh thường quân, phụ huynh học sinh nhà trường đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu học tập, tạo cảnh quan nhà trường thoáng rộng, sạch, đẹp. Cụ thể, năm học 2013-2014, nhà trường đã huy động phụ huynh đóng góp gần 100 triệu đồng xây dựng cổng trường; năm 2014-2015 xây dựng 2 phòng học bộ môn trị giá trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, phụ huynh đã đứng ra góp tiền, ngày công để bê tông hóa đoạn đường hơn 100 m từ đường quốc lộ vào trường nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho con em học sinh. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Hội trưởng Hội phụ huynh học sinh của Trường cho biết: “Khi Hội phụ huynh đứng ra vận động nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường thì ai cũng đồng tình ủng hộ bởi việc làm này sẽ góp phần tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con em mình”.
Chủ trương xã hội hóa giáo dục không chỉ huy động các nguồn lực trong xã hội nhằm trang bị cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học mà còn góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy sự phát triển cho giáo dục, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của thị xã. Từ năm 2009 đến nay, toàn thị xã đã huy động nhân dân và nhà hảo tâm đóng góp số tiền hơn 10 tỉ đồng đầu tư xây dựng, nâng cấp phòng học, mua sắm trang thiết bị, xây dựng tường rào, sân trường, nhà vệ sinh... Hiện nay, toàn thị xã có 68 cơ sở giáo dục, bao gồm: 19 trường mầm non, mẫu giáo và 8 nhóm lớp mầm non tư thục, 24 trường tiểu học, 10 trường THCS, 1 trường tiểu học và THCS, 3 trường THPT, 1 trường phổ thông DTNT, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên và 1 trung tâm dạy nghề. Trong đó, 100% trường THCS được tầng hóa, các trường tiểu học, mầm non và điểm trường lẻ được kiên cố hóa; tất cả các trường phổ thông đều có thư viện, phòng thiết bị, phòng đọc và phòng tin học... Đặc biệt, thị xã có 12/12 xã, phường đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Trên hết, hiệu quả của công tác xã hội hóa giáo dục đã tạo sự thay đổi nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của giáo dục; giúp địa phương thực hiện tốt sự nghiệp “trồng người”, phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc