Multimedia Đọc Báo in

Băn khoăn quanh việc thực hiện chính sách giảm học phí đào tạo trung cấp nghề

09:55, 30/09/2015

Mấy ngày gần đây, học sinh hệ trung cấp chính quy (trung học cơ sở học tiếp lên trung cấp) năm học 2015-2016 của Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk đã “phản ứng” vì phải đóng học phí.

Theo phản ánh, trong Thông báo tuyển sinh năm 2015 ở phần quyền lợi của người học, Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk ghi rõ: “Căn cứ theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP và theo Luật Giáo dục Nghề nghiệp học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trung cấp, học sinh sinh viên dân tộc thiểu số hộ nghèo, cận nghèo, người Kinh sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, khuyết tật… miễn 100% học phí; học sinh sinh viên học nghề: Cắt gọt kim loại, Hàn, Kỹ thuật xây dựng… giảm 70% học phí”. Thế nhưng, sau khi nhập học được hơn 1 tháng, các em nhận được Thông báo số 262, ngày 1-9-2015, thu học phí năm học 2015-2016 do thạc sĩ Hoàng Minh Cương, Hiệu trưởng nhà trường ký có nội dung “Học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề chỉ giảm 50% học phí”. Điều này có nghĩa là các em phải đóng 50% học phí thay vì miễn học phí như trong Thông báo tuyển sinh. Cụ thể sau khi giảm 50% học phí, các nghề: Công nghệ thông tin, Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Điện tử dân dụng, Quản trị máy tính, Cơ điện tử (Điện tử công nghiệp), Kỹ thuật sửa chữa-lắp ráp máy tính có mức đóng là 2.550.000 đồng/năm; ngành Kế toán doanh nghiệp: 1.350.000 đồng/năm; ngành Công tác xã hội: 1.400.000 đồng/năm...

Lý giải về việc thu học phí, ông Lưu Anh Tuấn, Trưởng Phòng Tư vấn học nghề, việc làm và quan hệ doanh nghiệp (Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk) cho rằng, Luật Giáo dục Nghề nghiệp do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 27-11-2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 (trước thời gian nhập học năm học 2015-2016), nên nhà trường mạnh dạn thông tin đến người học về chế độ ưu đãi “miễn, giảm học phí” để thu hút học sinh, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn thực hiện, do đó nhà trường buộc phải thu học phí theo quy định cũ (Thông tư liên tịch số 14, ngày 16-7-2015 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội). Cụ thể, tất cả học sinh tốt nghiệp THCS đi học trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp, không phân biệt thời gian đã tốt nghiệp đều được giảm 50% học phí. Cũng theo ông Tuấn: “Đây là sự cố ngoài mong muốn, ngoài thông báo tuyển sinh năm 2015, nhà trường còn gửi kèm Giấy báo nhập học và ở mục lưu ý của Giấy báo có ghi rõ: Học sinh tốt nghiệp THCS năm 2015 khi vào nhập học (năm học 2015-2016) tạm thời chưa thu học phí. Nhà trường sẽ thực hiện cụ thể theo Luật Giáo dục nghề nghiệp khi có Nghị định của Chính phủ và Thông tư liên bộ hướng dẫn. Do phụ huynh và học sinh không đọc kỹ nên mới dẫn đến “sự hiểu lầm đáng tiếc trên”, chứ không phải nhà trường “mập mờ” chế độ miễn học phí nhằm “câu” học sinh”! Do chưa tuyển đủ chỉ tiêu năm học 2015-2016, để tránh hiểu nhầm về chính sách miễn, giảm học phí, ngày 15-9 vừa qua, nhà trường đã đăng thông báo tuyển sinh các đợt còn lại của năm học 2015-2016 trên hệ thống Đài Truyền thanh một số huyện, trong đó nêu rõ: “Học sinh tốt nghiệp THCS học lên trung cấp được miễn 50% học phí”.

Việc Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk thông tin về chế độ học phí mới (theo Luật Giáo dục Nghề nghiệp) trong thông báo tuyển sinh nhưng  khi học sinh nhập học lại thực hiện chế độ học phí theo chính sách cũ (Thông tư liên tịch số 14) đã khiến nhiều học sinh bức xúc. Nếu chỉ dừng lại ở việc thông tin những điểm mới có lợi cho người học, thì Điểm 5, Điều 29 của Luật Giáo dục nghề nghiệp nêu rõ: Mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh phải được công bố công khai cùng thời điểm với thông báo tuyển sinh. Cùng với đó, phải chăng nhà trường “nôn nóng” tạm thu học phí khi không thực hiện đúng cam kết là chờ đợi các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp như đã ghi rõ tại mục lưu ý ở Giấy báo nhập học đã tạo nên sự thắc mắc, phản ứng trên?

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.