Học sinh vùng sâu mòn mỏi "ngóng" trường
Dự án đầu tư xây dựng công trình Trường THPT Lê Lợi được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 3065/QĐ-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2010. Theo đó, mục tiêu của Dự án là nhằm bảo đảm cơ sở vật chất cho giáo viên và học sinh trong vùng có điều kiện giảng dạy và học tập ở cấp THPT, góp phần nâng cao trình độ dân trí ở địa phương. Dự án này dự kiến được xây dựng trên diện tích hơn 4,7 ha tại xã Ea Ning, với nguồn kinh phí 52,2 tỷ đồng do UBND huyện Cư Kuin làm chủ đầu tư. Công trình bao gồm các hạng mục như: 15 phòng học, nhà hiệu bộ, nhà thực hành, phòng thí nghiệm, phòng học vi tính, nhà thi đấu thể thao đa năng, nhà công vụ cho giáo viên, trang thiết bị dạy - học cùng các công trình phụ trợ khác. Sau khi hoàn thành trường sẽ phục vụ nhu cầu học tập của hơn 1.000 học sinh ở 7 xã của huyện Cư Kuin và một số xã của 2 huyện Krông Bông, Krông Pắc. Khi dự án được phê duyệt, cán bộ và nhân dân các xã nói trên rất vui mừng, háo hức vì nếu trường được xây dựng con em họ sẽ không phải vất vả đi hơn 10 km để ra trung tâm huyện học cấp ba. Niềm vui của người dân nơi đây “ngắn chẳng tày gang” khi 1 năm, 2 năm… rồi đến nay đã 5 năm mà ngôi trường chẳng thấy được khởi công xây dựng mặc dù đất đai đã được giải tỏa, đường giao thông xung quanh cũng đã hoàn thành. Việc xây trường THPT Lê Lợi luôn là vấn đề nóng trong các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND 3 cấp tại xã Ea Ning và các xã lân cận.
Học sinh xã Ea Ning trên đường đến lớp. |
Chỉ tay về phía bãi đất trống - địa điểm dự kiến xây dựng trường, ông Trương Quang Dũng (Thôn trưởng thôn 8, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) cho biết: “Khu này trước đây là đất liên kết trồng cà phê, điều, hồ tiêu giữa người dân với Công ty Cà phê Chư Quynh. Khi Nhà nước có chủ trương thu hồi một phần diện tích đất để xây dựng trụ sở xã Ea Ning và các công trình an sinh xã hội, Công ty đã chuyển gần 15 ha đất về cho địa phương quản lý, người dân nhận bồi thường vườn cây chẳng đáng bao nhiêu. Thế nhưng, đã 5 năm trôi qua, trường vẫn chưa được xây dựng, đất đai bỏ hoang khiến bà con rất bức xúc. Nếu còn đất để canh tác thì nhiều hộ đã thành triệu phú!? Nguyện vọng tha thiết của người dân nơi đây là muốn Nhà nước sớm triển khai xây dựng ngôi trường để các cháu đi lại đỡ vất vả. Không biết dự án này “treo” đến bao giờ?”. Còn bác Nguyễn Đức Tiến - một cựu giáo chức ở xã Ea Ning cho biết: “Nếu Dự án xây dựng Trường cấp 3 Lê Lợi được khởi công, việc học tập của các cháu học sinh sẽ rất thuận lợi. Các em không phải đi ra trung tâm huyện để trọ học, đồng thời giảm gánh nặng cho những ngôi trường trung tâm (THPT Y Jút và THPT Việt Đức). Ngoài ra, việc các em được học tại chỗ sẽ góp phần bảo đảm về an ninh trật tự, an toàn giao thông bởi vì thời gian qua có một số em ở xa trường, năm học cuối cấp thường phải ở trọ học, có trường hợp phải bỏ học nửa chừng do hoàn cảnh khó khăn...”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Tấn Lễ - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Cư Kuin cho biết: “UBND huyện Cư Kuin xác định việc xây dựng Trường THPT Lê Lợi là hết sức cần thiết, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các xã vùng sâu, vùng xa của huyện. Tuy nhiên, đến nay Dự án vẫn chưa được triển khai xây dựng nguyên nhân là không bố trí được vốn do thời gian qua Ngân sách của tỉnh gặp nhiều khó khăn, đồng thời việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ năm 2011 về cắt, giảm đầu tư công. Hiện, UBND huyện đã có Tờ trình đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện Dự án. Nếu được bố trí vốn, UBND huyện sẽ triển khai thi công ngay để công trình được đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất...”.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc