Multimedia Đọc Báo in

Mong ước đầu năm học

16:33, 01/09/2015

“14 tháng tuổi mất cha, không lâu sau mẹ bỏ đi, hai chị em được ông bà nội nuôi dưỡng…” - giọng đượm buồn, Hoàng Thị Minh Tâm, học sinh lớp 10B2 Trường THPT Buôn Ma Thuột kể về hoàn cảnh gia đình mình.

Hai chị em Tâm đang phụ ông bà làm hàng để có tiền nhập học.
Hai chị em Tâm đang phụ ông bà làm hàng để có tiền nhập học.

Suốt 16 năm qua, hai chị em Tâm luôn thèm khát được mẹ ôm vào lòng âu yếm, được nũng nịu như các bạn cùng trang lứa. Tuổi dậy thì với bao nỗi niềm cần sẻ chia, chỉ dẫn nhưng chị em Tâm phải tự bảo ban nhau bởi ông bà nội ngày càng già yếu, lại phải đầu tắt mặt tối làm việc nuôi 2 cháu nội. Mắt ngấn lệ, Tâm trải lòng: “Thương bà nội lắm cô ạ! Bệnh phổi hành hạ bà hơn mười năm nay, cách đây 3 năm bà lại mắc thêm ung thư cổ tử cung. Mỗi lần xạ trị bà đau đớn, vật vã, chị em cháu chỉ biết ôm chặt bà vào lòng. Vậy mà, ngày hôm sau bà lại phải gắng gượng đạp xe hàng chục cây số vào rẫy, làm việc cật lực với mong muốn có thêm chút tiền để thuốc thang, đóng tiền học thêm cho các con, cháu. Cứ vài tháng bà nội lại phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy, rồi Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh để chữa trị”. Những lần xạ trị khiến cơ thể bà nội Tâm gầy còm, khuôn mặt sạm cháy, nhưng bà vẫn rất lạc quan: “Cũng may nhờ một người bạn “mách” cho nghề làm hàng mã nên mỗi tháng cũng kiếm được vài triệu đồng để lo cho các cháu ăn học. Tôi đau ốm luôn, còn ông các cháu năm nay 70 tuổi không làm được việc nặng nhọc. Được cái hai chị em Tâm chăm ngoan, ham học, năm nào cũng được nhà trường tặng giấy khen, trao học bổng. Đi học thì thôi, hễ về tới nhà chúng nó lại cặm cụi làm hàng phụ giúp ông bà”.

Căn nhà nhỏ của ông bà nội của Tâm ở tổ dân phố 10 (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) những ngày này luôn đỏ đèn đến tận khuya. Cả 4 thành viên trong gia đình đang cố làm hàng để có thêm chút tiền cho đứa cháu nội nhập học. Bà nội Tâm nói: “Con Diệu-chị gái Tâm thi đỗ ngành Ngôn ngữ Anh-Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh cả nhà mừng rơi nước mắt, nhưng cũng rất lo, nào tiền học phí, tiền ăn, tiền ở. Vài ngày nữa cháu đã phải vào trường nhập học, vậy mà…”. Bà nội không muốn Diệu buồn, bà biết cháu gái quyết tâm thi vào sư phạm để bớt gánh nặng chi phí học tập cho ông bà nội, nhưng thiếu 1 điểm đành chuyển nguyện vọng khác. Tối qua, cứ ngỡ ông bà nội đã ngủ, Diệu nhắn nhủ em: “Ở nhà chăm học, lúc rảnh rỗi nhớ phụ giúp ông bà. Sau khi ổn định chỗ ở, chị sẽ nhờ các anh chị khóa trước giới thiệu chỗ dạy kèm và kiếm việc làm thêm để ông bà bớt vất vả”. “Nghe hai chị em nó nói chuyện với nhau, tự nhiên nước mắt tôi chảy dài. Tôi dự tính rồi, hằng tháng chuyển toàn bộ tiền lương hưu của ông hơn 3 triệu đồng và tiền trợ cấp thương binh 4/4 của tôi khoảng 1 triệu đồng cho Diệu học đại học. Hai vợ chồng tôi cố gắng làm thêm hàng để lo cho Tâm ăn học. Cầu mong bệnh tật đừng hành hạ, tới đâu lo tới đó”, bà nội Tâm nói trong nước mắt. Thương hoàn cảnh khốn khó, tổ dân phố cũng đã bình xét gia đình vào danh sách hộ nghèo để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhưng ông bà nhất quyết từ chối bởi trong tổ vẫn còn nhiều hộ khó khăn hơn mình.

Chia tay hai chị em Tâm ra về trong cơn mưa nặng hạt, hình ảnh hai cô gái sớm mồ côi cha, thiếu vắng tình thương của mẹ tỉ mẩn dán từng họa tiết lên hàng mã một cách thuần thục đã để lại trong tôi nhiều suy tư, vừa thương các em, vừa lo lắng cho ông bà nội của em. Dẫu ông bà nội và bản thân hai em vẫn đang nỗ lực thu xếp cho tương lai, nhưng một người tuổi cao, một người bệnh tật hiểm nghèo… ai sẽ là người nâng đỡ bước đường đến trường của hai em. “Sau này con cũng sẽ thi vào ngành sư phạm và chỉ có một mong ước căn bệnh ung thư không hành hạ bà nữa!”. Mong ước của cô bé lớp 10 trước thềm năm học mới như xoáy vào tim tôi…

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.