Multimedia Đọc Báo in

Những bông hoa hiếu học

18:11, 25/09/2015

Dù hoàn cảnh kém may mắn nhưng các em đều có chung nghị lực vượt khó và hiếu học.

Nghị lực vượt khó của H’Thương Phôk

Em H’Thương Phôk nhận học bổng “ Tiếp sức học sinh đến trường”  năm học 2015-2016.
Em H’Thương Phôk nhận học bổng “ Tiếp sức học sinh đến trường” năm học 2015-2016.

Nhìn H’Thương Phôk không ai nghĩ rằng em đã là học sinh lớp 11A8, Trường THPT Lắk vì mặc dù năm nay đã 17 tuổi nhưng em chỉ bằng một học sinh lớp 3. Lúc mới sinh H’Thương cũng bình thường như các bạn khác, nhưng sau một thời gian, chân tay em bị teo dần, mọi cử động đều khó khăn. Khi đến tuổi đi học, nhìn các bạn ngày ngày rủ nhau đến trường, em cũng xin mẹ được đến lớp. Thương con, suốt năm học lớp 1, mẹ H’Thương không quản ngại nắng mưa cõng em đến trường. Khó khăn là vậy nhưng H’Thương không bỏ buổi học nào, trừ những lúc ốm nặng. Nhưng thật xót xa, năm 2005, mẹ em qua đời sau một tai nạn, H’Thương không chỉ thiếu vắng tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của mẹ mà còn mất đi cả đôi chân hằng ngày đã giúp em đến trường. Mẹ mất, bố đi lấy vợ khác, 3 chị em H’Thương về sống với ông bà ngoại già yếu. Trước hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo đó, H’Thương rất buồn vì em có thể phải từ bỏ ước mơ được đi học. Thương cô học trò khuyết tật nhưng đầy nghị lực vượt khó và lòng ham học, cô giáo đã phát động phong trào “Đôi bạn cùng tiến”. Và trong suốt những năm tiểu học, bạn H’Nơi Phôk - học cùng lớp lại ở gần nhà H’Thương đã tự nguyện đưa bạn đi học. Những năm THCS, THPT, H’Thương vẫn được tiếp tục đến trường bằng tình cảm yêu thương, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè. Đáp lại sự yêu quý đó, em luôn nỗ lực, vươn lên trong học tập, suốt 10 năm liền đều là học sinh khá, giỏi và trở thành tấm gương sáng cho các bạn noi theo. Gặp em tại Lễ trao học bổng “Tiếp sức học sinh nghèo đến trường” do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức mới đây, H’ Thương thổ lộ: “Ông bà em già yếu rồi, kinh tế lại khó khăn nên để lo cho 3 chị em ăn học rất chật vật. Cũng may em đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân thăm hỏi, tặng quà, học bổng, động viên em vượt khó vươn lên. Em sẽ cố gắng học tập tốt để sau này có cơ hội tìm việc làm và lo cho các em”. 

Phạm Hữu Phúc - học giỏi để trở thành người có ích

Phạm Hữu Phúc “khoe” học bổng  Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh trao tặng.
Phạm Hữu Phúc “khoe” học bổng Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh trao tặng.

Ngay từ khi chào đời, Phạm Hữu Phúc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Kim Châu (xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) đã bị khuyết tật: sứt môi, hở hàm ếch, cụt bàn tay trái nên mọi sinh hoạt của em đều khó khăn, cần có người giúp đỡ. Hơn 1 tuổi, em được phẫu thuật hàm ếch nên hơn 2 tuổi đã biết nói dù không tròn vành, rõ tiếng như các bạn khác. “Mang thai được hơn 3 tháng, tôi phát hiện cháu bị dị tật bẩm sinh nhưng vẫn kiên quyết không từ bỏ con. Lúc ấy tôi chỉ thầm cầu mong cháu có duyên sống được cùng gia đình mình là vui rồi. May mắn thay, cháu phát triển trí não bình thường, vẫn có thể đi học và rất ham học. Lần đầu tiên nghe con đọc, viết được tên mình, vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt”, chị Trịnh Thị Bích Nga, mẹ của Phúc chia sẻ. Phúc rất nhanh nhẹn, tiếp thu bài tốt, những bài toán khó, em không ngần ngại hỏi lại thầy cô và hai anh của mình. Ngoài môn Toán và Tiếng Việt, Phúc rất yêu thích Tự nhiên và Xã hội bởi môn học này giúp em khám phá thế giới xung quanh mình, tìm hiểu thêm từ ngữ mới và các sự vật, hiện tượng tự nhiên. Điều đáng quý ở Phúc là mặc dù bị khuyết tật nhưng em luôn lạc quan trong cuộc sống và biết quan tâm, lo lắng cho mọi người xung quanh. Hỏi về ước mơ của mình, phúc hồn nhiên nói: “Cháu đã 2 lần được nhận học bổng nên sẽ cố gắng học tập tốt để trở thành người có ích, không phụ lòng của bố mẹ, thầy cô và mọi người”.

Nay H’Hĩ và ước mơ trở thành cô giáo

Nay H’Hĩ, học sinh lớp 7A, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Ea H’leo cũng là một trong những học sinh nghèo hiếu học được quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh trao tặng học bổng đầu năm học 2015-2016. Nay H’Hĩ là chị cả trong gia đình nghèo ở buôn Ka Ri, xã Ea Sol. Năm em 3 tuổi, bố mất, mình mẹ lam lũ tối ngày với nương bắp, vườn cà phê nuôi 2 chị em ăn học. Vì vậy, cứ vào cuối tuần, em lại tranh thủ về nhà phụ mẹ dọn dẹp, nấu cơm và chăm em.

Em Nay H’Hí (bên phải) tại Lễ trao  học bổng “Tiếp sức trẻ em nghèo  đến trường”.
Em Nay H’Hí (bên phải) tại Lễ trao học bổng “Tiếp sức trẻ em nghèo đến trường”.

Những ngày nghỉ và ngày hè, em đều giúp mẹ việc nương rẫy. Khó khăn nhiều thế nhưng 6 năm liền em luôn là học sinh khá, giỏi của trường. Ở lớp, em chăm chú lắng nghe thầy cô giảng bài để nắm vững kiến thức cơ bản. Ngoài những bài tập được giao, H’Hĩ làm thêm bài tập nâng cao, những chỗ chưa hiểu, em hỏi thầy cô, bạn bè. Không chỉ học giỏi, em còn là một lớp trưởng, lớp phó văn thể mỹ năng động, nhiệt tình, động viên bạn học khá giúp đỡ những bạn học kém hơn, tổ chức sửa bài tập đầu giờ và trao đổi những quyển sách hay để cùng nâng cao kiến thức. Bên cạnh đó, H’Hĩ còn cùng ban cán sự lớp tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, lồng ghép các trò chơi vận động nên được đông đảo các bạn hưởng ứng. Hỏi về ước mơ, H’Hĩ không ngần ngại thổ lộ: “Ở buôn em có nhiều bạn nhà nghèo, phải bỏ học giữa chừng để phụ bố mẹ trông em hoặc làm nương rẫy. Vì vậy, em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này trở thành giáo viên về dạy chữ cho các bạn trong buôn”.

 Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.