Multimedia Đọc Báo in

Chính sách tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục: Vẫn còn nhiều bất cập (Kỳ I)

09:36, 19/10/2015

Qua khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại các huyện Ea H’leo, Krông Năng, TP. Buôn Ma Thuột và kết quả  làm việc của Đoàn với UBND tỉnh mới đây cho thấy, kỷ cương trong quản lý giáo dục (GD) từng bước được bảo đảm, góp phần nâng cao chất lượng GD ở từng địa phương và trên phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, một số văn bản còn chồng chéo về nội dung, chưa phân định rõ trách nhiệm cho các phòng, ban chuyên môn; một số chính sách chậm sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế…

Kỳ I : Văn bản... chồng chéo, chậm ban hành, sửa đổi.

Việc tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức ngành GD có nơi do phòng GD-ĐT tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, nhưng có địa phương lại do Phòng Nội vụ; quy định định mức giáo viên chậm điều chỉnh… là những bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức ngành GD-ĐT hiện nay.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng  giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (xã Cư Amung, huyện Ea H’leo).
Các đại biểu Quốc hội tỉnh tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (xã Cư Amung, huyện Ea H’leo).

Trông chờ vào Chủ tịch UBND huyện?

Một trong những bất cập được nhiều địa phương phản ánh với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh là sự chồng chéo giữa Nghị định số 115, ngày 24-12-2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục với Nghị định số 37, ngày 5-5-2014 của Chính phủ quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Cụ thể Nghị định 115 quy định: Phòng GD-ĐT có trách nhiệm tham mưu giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GD, bao gồm: Chủ trì xây dựng, tổng hợp kế hoạch biên chế sự nghiệp của các cơ sở GD trực thuộc; quyết định phân bổ biên chế sự nghiệp các cơ sở GD trực thuộc sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra, thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý GD trên địa bàn. Nhưng Thông tư liên tịch số 11, ngày 29-5-2015 của liên Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định 37 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, nêu rõ: Phòng GD-ĐT giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GD-ĐT ở địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công hoặc ủy quyền của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện và theo quy định của pháp luật. Còn phòng Nội vụ thì tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy; vị trí việc làm; biên chế công chức và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Trong khi đó, Nghị định 115 của Chính phủ vẫn còn hiệu lực. Chính vì chưa phân định rõ trách nhiệm cho phòng, ban chuyên môn, nên chức năng quản lý nhà nước về giáo dục có địa phương do phòng GD-ĐT thực hiện nhưng có nơi lại do Phòng Nội vụ. Bà Trương Thị Minh Nguyệt, Trưởng Phòng GD-ĐT thành phố Buôn Ma Thuột đề nghị: “Liên bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ cần quy định rõ ràng, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến quản lý nhà nước về GD-ĐT, nếu không vẫn cứ “trông chờ” vào đồng chí chủ tịch”.

Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Ea H’leo) thực hiện mô hình Trường học mới VNEN từ năm học 2012-2013. Ảnh: N.H
Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Ea H’leo) thực hiện mô hình Trường học mới VNEN từ năm học 2012-2013.

Học sinh trường khó khăn “thiệt đơn, thiệt kép”

Học ngoại ngữ, tin học là nhu cầu của học sinh hiện nay. Đơn cử như huyện vùng sâu Ea H’leo có hơn 1.000 học sinh (HS) tiểu học học tiếng Anh theo Đề án dạy Ngoại ngữ dạy 4 tiết/tuần và khoảng 5.000 HS học tiếng Anh theo chương trình tự chọn. Thực tế cho thấy, trường tiểu học nào tổ chức dạy Ngoại ngữ, Tin học thì thu hút được HS. Cách đây 2 năm, không ít phụ huynh ở huyện Ea H’leo đã xin chuyển cho con sang trường có tổ chức dạy các môn học này. Trước yêu cầu đó, một số trường tiểu học xin ý kiến phụ huynh tổ chức dạy môn Tin học hoặc Ngoại ngữ, còn trường có điều kiện hơn thì dạy cả 2 môn này. Thế nhưng, không phải trường nào cũng có đủ giáo viên để dạy. Theo Thông tư 35, ngày 23-8-2006 hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, thì: trường tiểu học dạy 1 buổi/ngày được bố trí biên chế không quá 1,2 giáo viên/lớp; còn  trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày được bố trí biên chế không quá 1,5 giáo viên/lớp. Định mức biên chế giáo viên/lớp của các cấp học quy định tại Thông tư này là số giáo viên để làm công tác giảng dạy tất cả các môn học và làm chủ nhiệm lớp, hoạt động giáo dục tập thể và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp có trong kế hoạch giáo dục quy định tại Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05-5-2006 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông. Thông tư này cũng quy định giáo viên tiểu học dạy 23 tiết/tuần. Ngoài dạy văn hóa, công tác chủ nhiệm lớp, hoạt động giáo dục tập thể và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đều được quy ra tiết dạy để trừ định mức cho giáo viên. Cho nên để tổ chức dạy hai môn này, một số trường tiểu học trên địa bàn huyện đã họp bàn, thống nhất với phụ huynh đóng học phí để trả thù lao cho giáo viên. Có một thực trạng đang diễn ra, những trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, các em HS được tổ chức học 2 buổi/ngày, đương nhiên theo quy định được bố trí 1,5 giáo viên/lớp, đồng nghĩa các em không phải đóng học phí học tăng buổi và tiền thù lao cho giáo viên môn tiếng Anh, Tin học. Trong khi đó, những trường khó khăn, cơ sở vật chất không bảo đảm dạy 2 buổi/ngày, nếu phụ huynh có nhu cầu học tăng buổi, học tiếng Anh, Tin học phải đóng học phí, dẫn đến sự so bì trong phụ huynh. “Đã đến lúc phải thay đổi định mức giáo viên cho trường tiểu học. Đáng nói, bậc tiểu học được chọn triển khai thí điểm nhiều chương trình, dự án đã từ nhiều năm học rồi, nhưng quy định về định mức giáo viên từ năm 2006 đến nay vẫn chưa thay đổi, gây “sức ép” cho nhà trường, phụ huynh”, ông Nguyễn Khắc Vũ, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ea H’leo phản ánh.

Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm đã nghiêm khắc phê bình Sở GD-ĐT không tổng hợp được số liệu liên quan về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; đặc biệt là số lượng điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, dù đã phân cấp quản lý cho cấp huyện, nhưng Sở GD-ĐT vẫn cần phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ để nắm chắc số liệu trên, có như thế mới tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, nhất là về phân bổ biên chế sự nghiệp GD cho các cơ sở GD trực thuộc sở, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm tra, thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, thực hiện chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý GD trên địa bàn tỉnh.

(Còn nữa)

 Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc