Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực đáng khen của cậu học sinh người Dao mắc bệnh hiểm nghèo

04:43, 04/10/2015
Từ con đường nhựa liên xã, phải đi bộ hơn 3 km đường sỏi đá, đầy ổ gà, ổ voi mới đến được nhà Trịnh Phương Sơn (SN 2004, học sinh lớp 5E, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) ở thôn Đồng Dao, xã Ea M’droh.

Sơn đang ngồi chăm chú học bài trong căn nhà gỗ nhỏ hẹp, mục nát, bố mẹ và chị gái đang đi làm thuê. Dấu vết bệnh tật hiển hiện rõ trên gương mặt và cơ thể sưng phù, bụng to bất thường của cậu học trò người Dao này. Cô Phan Thị Lê, giáo viên chủ nhiệm lớp 5E tâm sự: “Mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn, gia đình không có ai kèm cặp trong học tập nhưng Sơn đi học rất chuyên cần. Nhiều hôm em đau yếu, cô giáo cho nghỉ nhưng em vẫn cố gắng đến lớp học. Trước những khó khăn, bất hạnh của em, nhà trường cũng đã miễn các khoản đóng góp trong năm và vận động giáo viên, phụ huynh, học sinh trong trường quyên góp giúp đỡ em”. Năm Sơn vừa tròn 3 tuổi, thấy em cứ ốm yếu, gầy gò, xanh xao, khó thở, bụng cứ ngày một to dần, gia đình đã đưa em đi khám và được chẩn đoán mắc bệnh Beta thalassamia – căn bệnh khiến lá lách sưng và phải thay máu liên tục thì sức khỏe mới tạm ổn. Từ đó, đều đặn cứ ít nhất 3 tháng, Sơn phải đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh thay máu một lần; nhiều lúc tới kỳ thay máu mà gia đình em không có tiền, Sơn nằm lả đi, bố mẹ lại phải chạy vạy khắp nơi để vay tiền đưa Sơn đi viện. Suốt 8 năm qua, để có tiền thuốc thang, chữa bệnh cho Sơn, bố mẹ em phải bán dần đất đai, tài sản trong nhà, nay chỉ còn 2 sào ruộng bạc màu bán không ai mua. “Đầu năm 2015, Sơn đau nặng nên Bệnh viện tỉnh phải chuyển Sơn đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị. Ở đây một tuần, chi phí hết hơn 10 triệu đồng tiền viện phí và thuốc thang, chưa cộng chi phí tiền tàu xe, ăn uống”, bố Sơn kể. Đất đai không có nên bố mẹ Sơn phải đi làm thuê đủ mọi việc để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt, thuốc thang cho Sơn. Vừa rồi, chị gái Sơn thi đỗ vào Trường Đại học Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh mà gia đình không có tiền để con đi học; anh trai kế Sơn vừa học xong lớp 9 cũng phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình.

Mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn như vậy nhưng Sơn luôn chăm chỉ học tập, ngoan ngoãn, nghe lời thầy cô giáo, năm học nào em cũng đạt học sinh tiên tiến, được thầy cô giáo, bạn bè quý mến. Cậu học trò nhỏ người Dao này chỉ có một mong ước: “Em muốn khỏe mạnh như các bạn trong lớp, học tập thật giỏi để sau này trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo”.

Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.