Multimedia Đọc Báo in

Lớp học đặc biệt ở vùng biên

11:12, 20/11/2015

Các học viên với những bàn tay chai sạn, bao năm chỉ biết lên rừng làm nương rẫy, nay cố gắng tập trung nghe giảng, học đọc, viết. Tiếng đánh vần đồng thanh và những tiếng cười giòn trong giờ nghỉ của thầy và trò lớp xóa mù chữ như xua đi đêm lạnh ở vùng biên Đrăng Phôk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn).

Đrăng Phôk là buôn vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm đến việc học của con em. Chính vì vậy, dù trong độ tuổi đi học nhưng có rất nhiều em chưa biết đọc, biết viết; một vài em đã từng học đến lớp 3, lớp 4, nhưng vẫn “tái mù” do bỏ học đã lâu… Từ thực tiễn đó, Đồn Biên phòng Sêrêpôk đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức rà soát và vận động được 15 em, độ tuổi từ 8 – 16 đi học lớp xóa mù chữ do đơn vị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Buôn Đôn tổ chức. Đại úy Phạm Văn Hứng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sêrêpôk vui mừng: “Sau khi được vận động, đa số các cháu muốn đến lớp học, đặc biệt nhiều hộ gia đình cũng rất đồng tình việc mở lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp khi đã biết chữ. Lớp học tạo cơ hội cho học viên học tập, rèn luyện các kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt; cung cấp những kiến thức đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người, giúp học viên nâng cao nhận thức thuận lợi hơn trong lao động, sản xuất…”.
Đại tá Phạm Hữu Chiến, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh  (ngoài cùng, bên trái) chuyện trò, động viên các em tham gia  lớp học xóa mù chữ.
Đại tá Phạm Hữu Chiến, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh (ngoài cùng, bên trái) chuyện trò, động viên các em tham gia lớp học xóa mù chữ.

 Y Cam Ly (sinh năm 2000) là một trong những học viên lớn tuổi nhất lớp. Trước đây Y Cam Ly đã từng học đến lớp 2 nhưng phải bỏ học vì gia cảnh nghèo khó, túng thiếu. Mẹ mất sớm, bố đi lấy vợ khác, nên 4 anh em Y Cam Ly sống với bà ngoại từ khi còn nhỏ. Dù rất nhớ trường, nhớ bạn, nhưng em không thể đi học vì còn phải phụ giúp gia đình lên nương rẫy mỗi ngày. Nay lớp xóa mù chữ mở ban đêm, không chỉ em mà nhiều bạn nhỏ cùng buôn vui mừng lắm. Y Cam Ly thổ lộ: “Ban ngày em sẽ chăm chỉ làm việc để ban đêm tham gia lớp học với các bạn. Mới được học mấy buổi thôi, nhưng thấy thầy cô giáo giảng dạy rất tâm huyết, chỉ bảo tận tình, nên em tin cả lớp sẽ nhanh tiến bộ”.

Y Gon Ksơ (sinh năm 2003) là con thứ 5 trong gia đình có 7 anh em. Tuy đã học đến lớp 3, nhưng Y Gon gần như “tái mù” sau những năm bỏ học phụ giúp bố mẹ làm kinh tế. Được Đội vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Sêrêpôk) động viên đi học trở lại, không chỉ Y Gon mà cả gia đình đều rất mừng. Hôm khai giảng, mẹ Y Gon đã tạm gác công việc gia đình để cùng con lên lớp. Bà tâm sự: “Mù chữ khổ lắm, nhiều khi đi chợ, không biết các con số nên hay tính nhầm tiền, hàng hóa. Buồn nhất là mỗi lần cần viết gì hay ký tên, tôi chỉ biết điểm chỉ, còn nội dung trên giấy tờ phải nhờ người khác đọc giúp. Vì vậy mà lần này gia đình đã thu xếp mọi việc để cùng Y Gon đến lớp, động viên con cố gắng học. Y Gon vốn là đứa sáng dạ, tôi hy vọng con sẽ học hành nhanh tiến bộ và thực hiện được ước mơ trở thành giáo viên”.       

Như nhiều bạn cùng lớp, việc cầm bút để viết những chữ cái đầu tiên đối với Y Du Min Ksơ (sinh năm 2006) còn khó hơn nhiều so với việc chăn trâu, cắt cỏ, gặt lúa… nhưng em vẫn cố gắng học chữ mỗi ngày. Được các thầy giáo biên phòng dạy đánh vần từng con chữ, nhắc nhở việc viết bài thường xuyên, Du Min như có thêm động lực để học tập. Em tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa để theo kịp các bạn trong lớp, không phụ lòng mong mỏi của mọi người.

Hiện tại lớp học chỉ có 6 em còn nhớ láng máng vài chữ, vì vậy, thời gian đầu 15 em sẽ được sắp xếp học chung 1 lớp, sau đó sẽ phân thành 2, gồm: lớp xóa mù chữ và lớp giáo dục tiếp sau khi biết đọc, biết viết. Lớp học sẽ được tổ chức hằng đêm tại Trường TH Y Jút do giáo viên nhà trường và cán bộ, chiến sĩ Đồn đứng lớp. Ngoài việc bảo đảm nội dung chương trình dạy và học, giáo viên có thể lồng ghép công tác phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; kiến thức, kỹ năng và sáng kiến kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất cũng như trong đời sống xã hội.

Đến thăm, động viên các em học sinh, Đại tá Phạm Hữu Chiến, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh nhắn nhủ: “Mở được lớp học đã khó, nhưng để duy trì còn khó hơn. Vì vậy mong cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpôk nắm bắt tình hình thực tế, cùng nhà trường vận động các cháu đến lớp đầy đủ. Biết rằng các cháu rất khó khăn, phải phụ giúp gia đình việc đồng áng, nương rẫy, nhưng hãy vượt qua tất cả, để cố gắng học chữ thật tốt, dần nâng cao hiểu biết để sớm thoát cảnh đói nghèo. Khi mọi người, mọi nhà đều biết chữ sẽ góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với người dân, đồng thời giúp người dân áp dụng tốt hơn các kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội”.

Mùa mưa ở vùng biên Drang Phôk ướt đẫm, lạnh ngắt, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpôk vẫn đến từng nhà động viên, nhắc nhở các em tới trường. Bằng sự ân cần, tận tụy, chân thành, những người lính mang quân hàm xanh đã góp phần mở rộng cánh cửa tương lai cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở chốn tiền tiêu Tổ quốc.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.