Nữ giảng viên say mê nghiên cứu khoa học
Hơn 20 năm công tác tại Trường Đại học Tây Nguyên, ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học lúc nào cũng bừng cháy trong Tiến sĩ (TS) Buôn Krông Thị Tuyết Nhung…
TS Buôn Krông Thị Tuyết Nhung sinh ra và lớn lên ở xã Ea Bông, huyện Krông Ana. Là người Êđê nên những nghi lễ, lễ hội, những điệu, múa câu hát, từng nhịp chiêng của người Êđê trải dài theo tuổi thơ của bà. Tham gia giảng dạy tại trường Đại học Tây Nguyên từ năm 1995, đến năm 2005 bà bảo vệ thành công Luận án TS. Với cương vị Trưởng bộ môn Ngữ văn kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Trường Đại học Tây Nguyên, ngoài công tác giảng dạy bà còn tham gia nghiên cứu, phản phiện các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ, văn hóa, xã hội và phát triển cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
Tiến sĩ Buôn Krông Thị Tuyết Nhung |
Say mê nghiên cứu khoa học, bà luôn chịu khó học hỏi, tham gia nghiên cứu cùng các thầy cô, đồng nghiệp và đề xuất, chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thực tiễn như: Lễ hội truyền thống của người Êđê ở Đắk Lắk; Xây dựng từ điển điện tử Stiêng – Việt, Việt – Stiêng; Dân ca Êđê; Hát kưt của người Êđê ở Đắk Lắk; Sưu tầm, biên dịch câu đàm thoại thông dụng Việt – Êđê; Vai trò của một số nhóm xã hội các dân tộc thiểu số tại chỗ trong phát triển bền vững Tây Nguyên... May mắn có người bạn đời là đồng nghiệp và cũng tham gia nghiên cứu khoa học, bà cùng chồng đã bảo vệ thành công công trình Số hóa điện tử một số từ điển Việt - Jarai, Jarai – Việt; Việt - Stiêng, Stiêng - Việt; M’nông - Việt, Việt – M’nông; Chăm - Việt, Việt - Chăm được ứng dụng hiệu quả trong công tác nghiên cứu và học tập. TS. Buôn Krông Thị Tuyết Nhung chia sẻ: “Hiện nay ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc đã được quan tâm hơn nhưng việc bảo tồn động để cụ thể, sống động, phục hồi các nghi thức, nghi lễ, lễ hội sao cho không bị sân khấu hóa vẫn chưa được chú trọng. Mặt khác, môi trường sống thay đổi kéo theo sự thay đổi về thị hiếu, thẩm mỹ, cộng với ý thức hiện đại hóa của con người đang làm cho bản sắc văn hóa truyền thống ngày càng bị mai một. Chính vì vậy, việc sưu tầm, nghiên cứu, đưa ra các biện pháp bảo tồn văn hóa dân gian không chỉ của người Êđê mà của các dân tộc anh em vùng Tây Nguyên là việc làm hết sức cần thiết để gìn giữ di sản văn hóa của cha ông để lại”.
Sau một số công trình nghiên cứu khoa học nhận được sự đánh giá tích cực từ giới chuyên môn, TS. Buôn Krông Thị Tuyết Nhung càng có thêm động lực nghiên cứu và mở rộng các đề tài khoa học liên quan đến văn hóa tộc người vùng Tây Nguyên. Bên cạnh đó, bà còn viết sách phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập như các tác phẩm: Văn hóa mẫu hệ trong sử thi Êđê; Văn hóa ẩm thực Êđê; Sử thi Y’Khing Jú - H’Bia Ju Yâo; Sử thi Êđê; Bài tập bổ trợ môn tiếng Việt lớp 3 (dành cho học sinh dân tộc thiểu số)… TS Buôn Krông Thị Tuyết Nhung cũng tham gia viết nhiều tham luận, tác phẩm báo chí văn học cho nhiều tờ báo và tạp chí chuyên ngành. Trong công tác giảng dạy, mỗi bài giảng bao giờ cũng được bà đầu tư nghiên cứu rất kỹ để tìm ra nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp, đạt hiệu quả cao. Theo TS. Buôn Krông Thị Tuyết Nhung, nếu sinh viên được tiếp cận và nảy sinh ý tưởng khoa học sẽ giúp các em thấy được nghiên cứu khoa học không phải là vấn đề gì cao siêu mà nó nằm ngay trong những vấn đề đơn giản đời thường. Từ đó, giúp các em hình thành kỹ năng tư duy ứng xử, giao tiếp, rèn luyện lối hành văn, xử lý công việc tốt hơn. Do đó, mỗi khi sinh viên có nhu cầu đăng ký nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường, bà luôn khuyến khích và tận tình truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn các em thực hiện.
Tận tâm trong công tác giảng dạy, đảm đang chu toàn mọi việc gia đình nhưng ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học trong TS. Buôn Krông Thị Tuyết Nhung lúc nào cũng bừng cháy. TS. Buôn Krông Thị Tuyết Nhung cho biết, sắp tới bà sẽ tiếp tục hoàn thành bộ từ điển điện tử của một số dân tộc thiểu số, tham gia viết sách, và tập trung nghiên cứu những vấn đề bao quát về văn hóa bản địa vùng Tây Nguyên.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc