Multimedia Đọc Báo in

Vui, buồn nghề bảo mẫu

10:46, 29/11/2015

Dù không trực tiếp đứng lớp, cũng chẳng được một lần xướng tên trong Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), nhưng các cô lại là người chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ của các em học sinh, biết tính tình, thói quen của từng em…

Tất bật... cả ngày

Đều đặn 6 ngày trong tuần, chưa đến 5 giờ cô Đỗ Thị Phương Uyên, nhân viên cấp dưỡng Trường thực hành mầm non Hoa Hồng (thuộc Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk) đã có mặt tại trường để nhận thực phẩm do các đơn vị cung cấp chở đến. Bằng cảm quan, cô Uyên cùng 4 chị em cấp dưỡng kiểm tra một lượt thực phẩm có bảo đảm tươi sống, phân loại, sơ chế thực phẩm sau đó bắt đầu nấu bữa ăn sáng. Đúng 7 giờ, món ăn sáng đã chín, cả 5 nhân viên cấp dưỡng nhanh tay xách lên các lớp để các cô giáo chủ nhiệm cho các bé ăn. Lo xong bữa ăn sáng, các chị mỗi người một việc đến khoảng 9 giờ 30 bắt đầu chia cơm, thức ăn bữa trưa đưa về các lớp. Chị Lê Thị Hà, Tổ trưởng tổ cấp dưỡng nhà trường nói: “Công việc của nhân viên cấp dưỡng ở các trường mầm non khá vất vả. Các cháu còn nhỏ, việc chế biến món ăn có những yêu cầu riêng, thức ăn phải mềm, dễ nhai, dễ nuốt”. Đơn cử mỗi ngày chuẩn bị 4 bữa ăn cho các bé. Nếu hôm nào thực đơn bữa lỡ (bữa ăn nhẹ sau khi các bé ngủ trưa dậy) là bánh ngọt, sữa chua, thì các cô cấp dưỡng đỡ vất vả, còn nếu uống nước cam thì các cô phải tập trung vắt cam cả buổi trưa.

Bữa ăn trưa của các bé Trường Mẫu giáo Cư Pui (huyện Krông Bông).
Bữa ăn trưa của các bé Trường Mẫu giáo Cư Pui (huyện Krông Bông).

Không quá tất bật như nhân viên cấp dưỡng ở các trường mầm non, nhưng công việc của các cô bảo mẫu ở các trường tiểu học cũng chẳng nhàn hạ. Dù mỗi ngày chỉ lo một bữa trưa cho các cháu, song các cô lại kiêm nhiệm thêm nhiều việc như quét dọn lớp học, sân trường, lo nước uống cho giáo viên, học sinh, trông coi các cháu ngủ trưa. Chị Cao Thị Trà Thanh, nhân viên bảo mẫu Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (TP. Buôn Ma Thuột), gắn bó với công việc này từ năm 2004 tâm sự: “Công việc không nặng nhọc nhưng không có tên gọi, vừa hết việc này đã phải quay sang làm việc khác. Những người mới vào nghề, chưa quen việc sẽ thấy “ngợp”. Công việc này không dành cho các bạn trẻ mà chỉ hợp với những ai có gia đình, có con, chỉ có tấm lòng thương trẻ mới thấy không mệt mỏi”.

Ngậm ngùi... lương bảo mẫu!

“Chỉ có người trong nghề mới thấm cái cực nhọc khi 5 cô nhân viên cấp dưỡng phải lo 4 bữa ăn/ngày cho khoảng 450 học trò. Công việc hầu như không thể ngơi tay bởi trường học phải đúng giờ. Tranh thủ ăn khi học sinh đã ngủ, lau dọn khi các em thức dậy. Sáng đến sớm, chiều về trễ. Thế nhưng mỗi tháng tiền lương chỉ gói gọn hơn 1,8 triệu đồng sau khi đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”, chị Lê Thị Hà chia sẻ. Trò chuyện, chị Hà cho biết, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Kế toán, sau nhiều năm không xin được việc đúng chuyên ngành nên xin làm nhân viên cấp dưỡng. Tiền lương thấp, nhưng ổn định nên chị em trong  tổ động viên nhau hoàn thành tốt công việc vì để xin được một việc làm khác không dễ dàng.

Trong khi ấy, không ít người trẻ tuổi xin vào làm bảo mẫu được vài tháng, thậm chí chỉ mới vài ngày đã bỏ việc vì suốt ngày lui cui trong bếp, nhưng tiền lương khá thấp. “Cực nhất là lúc cho các em ăn, nhiều HS không tự ăn được, tất nhiên mình không thể để các em nhịn đói, thế là phải đút. Thậm chí một số em không chịu ăn vì chưa quen không khí ăn tập thể, lúc đó mình phải dỗ ngon dỗ ngọt; có em loay hoay, lục đục không chịu ngủ trưa, mình phải dọa mách cô giáo chủ nhiệm, gọi điện thoại báo cho bố, mẹ lúc ấy các em mới nhắm mắt ngủ. Nhưng cũng chỉ một, hai tuần đầu năm học mới, còn sau đó mọi thứ đều đi vào nền nếp” - chị Cao Thị Trà Thanh (Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ) thổ lộ. Không chỉ vậy, các cô bảo mẫu còn xử lý nhiều câu chuyện nho nhỏ diễn ra hằng ngày, là người “hòa giải” những xích mích giữa các bé... Đôi lúc một vài em học sinh chưa ngoan ngoãn, do áp lực công việc khiến các cô bảo mẫu bực mình, quát mắng nhưng khi nghe các em thủ thỉ: “Cô ơi! Món canh cải hôm nay ngon lắm!”, hay “Con thích nhất món trứng chiên thịt bằm”… đó là những ngọt ngào, làm nhẹ đi những phút mệt mỏi, đầu tắt mặt tối với công việc của một “bà mẹ đông con”. Cô Bùi Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ cho biết: “Để tăng thu nhập cho các cô bảo mẫu, nhà trường tạo điều kiện cho kiêm nhiệm thêm việc vệ sinh lớp học, sân trường, lo nước uống cho giáo viên, học sinh… Các cô bảo mẫu phải ở lại trường buổi trưa trông các cháu, do đó phải ăn cơm tại trường, mỗi bữa là 10.000 đồng, nên mỗi tháng tiền lương còn lại là 2,5 triệu đồng (chưa đóng bảo hiểm)”.

Có tận mắt chứng kiến một ngày làm việc nơi bếp ăn tập thể của các trường học mới thấu hiểu sự vất vả, trách nhiệm của các cô bảo mẫu. Và không khỏi chạnh lòng khi vừa xong công việc ở trường, không ít cô bảo mẫu lại tất bật đi dọn dẹp nhà thuê, giặt giũ chăn màn thuê, gia công hàng may mặc, làm chứng từ kế toán… để kiếm thêm thu nhập lo cho con cái ăn học. Thấu hiểu những vất vả, thiệt thòi để càng trân trọng hơn tấm lòng của các cô bảo mẫu dành cho học sinh, trân trọng hơn một nghề thầm lặng.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc