Để Tây Nguyên không còn là "vùng trũng" về dạy nghề
Quyết định 1951 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục đào tạo (GD-ĐT) và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và huyện miền núi các tỉnh giáp Tây Nguyên (gọi là vùng Tây Nguyên) giai đoạn 2011 - 2015 đã tạo bước đột phá, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của khu vực và cả nước. Tuy nhiên Tây Nguyên vẫn là “vùng trũng” về dạy nghề so với cả nước.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề thấp
Theo đánh giá của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TBXH), qua 5 năm thực hiện Quyết định 1951, công tác dạy nghề vùng Tây Nguyên có bước phát triển, từng bước chuyển từ dạy theo năng lực sẵn có sang đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình dạy nghề đa dạng, sáng tạo như: dạy nghề tại doanh nghiệp, liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp... Tuy nhiên so với mục tiêu của Quyết định 1951, thì một số tiêu chí về dạy nghề trong vùng không đạt, vẫn là “vùng trũng” so với cả nước. Mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển nhanh về số lượng nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng đào tạo chưa đồng đều; một số cơ sở dạy nghề cấp huyện không phát huy hiệu quả, gây lãng phí. Quy mô tuyển sinh dạy nghề giai đoạn 2010-2015 tăng gấp 3,7 lần so với giai đoạn 2006-2010, song chủ yếu là đào tạo trình độ sơ cấp và thời gian đào tạo dưới 3 tháng; tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp nghề chỉ đạt 8,4% trong khi bình quân chung của cả nước là 12%. Tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS theo học nghề chỉ đạt 2,5-3%, bằng khoảng 50% so với mục tiêu của Quyết định 1951.
Sinh viên ngành May công nghiệp Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên thực hành nghề. |
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH cho biết: “Trung bình mỗi năm vùng Tây Nguyên đào tạo nghề cho 85.500 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2015 đạt 33,5% (tăng 7% so với năm 2010), chưa đạt mục tiêu của Quyết định 1951 đề ra là 35% (bình quân của nước 40,6%). Tỷ lệ này có sự chênh lệnh khá lớn giữa các địa phương trong vùng: Đắk Lắk 40%, Lâm Đồng 38%, Kon Tum, Gia Lai 28%, Đắk Nông 21,5%.
Gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng
Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định 1951 do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TBXH tổ chức hồi cuối tháng 2 vừa qua đã thẳng thắn chỉ ra các nguyên nhân, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề vùng Tây Nguyên. Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, để đào tạo nghề phát triển xứng tầm, trong những năm tới cần rà soát, đánh giá lại hệ thống GD-ĐT từ bậc phổ thông đến ĐH và dạy nghề. Hiện có nhiều trường đào tạo cùng một ngành nghề, dẫn đến tình trạng “thừa” lao động, trong khi đó các nhà đầu tư đến Tây Nguyên rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng các cơ sở đào tạo nghề chỉ đáp ứng được một lượng nhỏ, bắt buộc phải đưa lao động từ nơi khác đến. Đây là bất hợp lý trong công tác dạy nghề; đồng thời cũng đặt ra bài toán về chiến lược dạy nghề tổng thể gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, giúp liên kết giữa các địa phương trong vùng để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh dạy nghề ở mỗi địa phương. Về phía các cơ sở dạy nghề phải đào tạo cho người học những năng lực cần thiết, đủ sức cạnh tranh trong thị trường hội nhập hiện nay; không cần mở nhiều ngành, chỉ cần chuyên sâu đào tạo một vài nghề. Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Diệp chia sẻ: “Doanh nghiệp muốn tuyển dụng công nhân kỹ thuật có tay nghề ở vùng Tây Nguyên khó hơn tuyển dụng lao động có bằng cử nhân ĐH, CĐ, thậm chí là trình độ thạc sĩ. Bên cạnh một số trường dạy nghề chất lượng cao như: Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk), Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt (Lâm Đồng) bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động thì thẳng thắn nhìn nhận, dạy nghề ở vùng Tây Nguyên chưa đáp ứng được nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động trên cả hai khía cạnh chất lượng đào tạo và cơ cấu ngành nghề”. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do HS, phụ huynh ít muốn vào học ở các trường nghề, nhất là khi mạng lưới, quy mô trường ĐH phát triển ồ ạt, cơ chế tuyển sinh vào ĐH, CĐ khá thông thoáng. Cùng với đó thông tin về thị trường lao động, việc làm, về các cơ sở dạy nghề, ngành nghề đào tạo của các trường chưa đầy đủ, kịp thời nên người lao động còn lúng túng trong lựa chọn nghề, tìm kiếm việc làm sau khi học nghề phù hợp với điều kiện của mình…
Giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk thuyết trình mô hình thiết bị dạy nghề tự làm. |
Một tín hiệu khả quan, sau khi Bộ LĐ-TBXH nhiều lần cảnh báo về tỷ lệ rất cao cử nhân ĐH, CĐ thất nghiệp thì nhận thức của phụ huynh, HS về học nghề đã có sự thay đổi. Bằng chứng là đã có nhiều trường hợp sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ tiếp tục đăng ký học nghề. “Cần có chính sách và biện pháp đủ mạnh để phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề, hạn chế tình trạng “tất cả hối hả học ĐH, hối hả học CĐ”!. Việc phân luồng không dễ nhưng vẫn thực hiện được, điều này thuộc về chính sách vĩ mô của Nhà nước”, Thứ trưởng Diệp khẳng định.
Đề cập đến việc ban hành thêm chính sách đặc thù cho công tác dạy nghề vùng Tây Nguyên, lãnh đạo các bộ GD-ĐT, LĐ-TBXH và Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đều cho rằng, hiện nay đã có nhiều chính sách đặc thù ưu tiên cho người dân. Không nên đặt nặng vấn đề ban hành thêm chính sách mới, mà cần rà soát lại những chính sách đã ban hành, nếu chưa hợp lý thì bổ sung, sửa đổi, quan trọng là tổ chức thực hiện chặt chẽ để đi vào đời sống, đáp ứng yêu cầu xã hội.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc