Multimedia Đọc Báo in

Học sinh lớp 9 sáng tạo máy lọc nước

08:19, 20/03/2016

Chỉ bằng những vật liệu đơn giản như xơ mướp, gáo dừa, sỏi, bông gòn… hai bạn Nguyễn Thị Thu Na và Võ Trọng Nghĩa ( lớp 9, trường THCS Cao Bá Quát, huyện Ea Kar) đã sáng tạo mô hình lọc nước uống với chi phí thấp.

Đây là một trong những mô hình đã đoạt giải Khuyến khích cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh lần thứ III, năm học 2014-2015 dành cho học sinh THCS.

Mô hình dụng cụ lọc nước sạch đơn giản của 2 bạn  Nguyễn Thị Thu Na và Võ Trọng Nghĩa.
Mô hình dụng cụ lọc nước sạch đơn giản của 2 bạn Nguyễn Thị Thu Na và Võ Trọng Nghĩa.

Bạn Võ Trọng Nghĩa , người lên ý tưởng sáng tạo mô hình này chia sẻ: “Người dân chỗ em ở không có nước sạch để dùng. Muốn có nước phải đi bộ cả chục cây số để gùi nước về. Có những gia đình lên rẫy cả tuần mới về một lần chủ yếu uống nước hồ, sông, suối nên không hợp vệ sinh. Từ kiến thức đã học ở trường, đã đọc trong sách cùng sự chỉ dẫn  của thầy cô, tụi em suy nghĩ tìm tòi  cách để lọc nguồn nước bẩn, nhiễm phèn thành nước sạch phục vụ sinh hoạt với chi phí thấp để người dân ở đây đỡ vất vả, không phải đi xa lấy nước nữa”. Theo Nghĩa và Na, để làm mô hình  này chỉ cần 5 chai nhựa rồi lắp ống dẫn nước cỡ nhỏ tương ứng với ba lỗ trên chai nhựa, sau đó lắp ống dẫn và khóa để liên kết  các chai; mỗi chai bỏ các vật liệu khác nhau như cát, sỏi, xơ mướp, gáo dừa già (đun ở nhiệt độ cao để tạo thành than hoạt tính). Nước bẩn sẽ được lọc qua các chai để tạo ra nguồn nước có thể sử dụng được.

Theo thầy Võ Đình An, Chủ tịch Công đoàn trường THCS Cao Bá Quát, người trực tiếp hướng dẫn hai bạn Nghĩa và Na thực hiện ý tưởng,  khi mà giá để mua một chiếc máy lọc nước hiện nay khá đắt, từ vài trăm nghìn đồng đến cả chục triệu đồng, thì đây là mô hình đơn giản, ít chi phí nhưng lại thiết thực và hiệu quả. “Từ mô hình này, những người dân ở vùng kinh tế khó khăn, khi gặp  mưa lũ, mất điện, hay những hộ dân  đi làm rẫy xa nhà dài ngày có thể dễ dàng làm dụng cụ từ các nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, để có nước sạch trong sinh hoạt. Đồng thời có thể triển khai làm các bể lọc nước lớn dự trữ ở các thôn, bản theo mô hình, từ đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và phòng chống các bệnh tật liên quan do sử dụng các nguồn nước nhiễm bẩn” - thầy An nói.

Hoàng Hằng 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.