Multimedia Đọc Báo in

Nâng bước học sinh vùng biên đến trường

08:18, 20/03/2016

Bằng tinh thần, trách nhiệm và sự tận tình của những người lính biên phòng, cánh cửa tương lai của 40 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 4 xã biên giới sẽ thêm mở rộng. Tuổi xanh vùng biên như được tiếp thêm động lực, sức mạnh để hiện thực hóa ước mơ...

Nhân rộng chương trình

Thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, trong đó có nội dung phát động chương trình “Nâng bước em đến trường”, toàn thể cán bộ, đoàn viên, thanh niên Bộ đội Biên phòng tỉnh đã nhiệt tình hưởng ứng. Đối tượng được thụ hưởng là học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, mồ côi cha, mẹ; con các gia đình chính sách, những người uy tín, tích cực tham gia bảo vệ biên giới, con bộ đội tại ngũ, các em là người dân tộc thiểu số đặc biệt ít người... Sau hơn 1 năm triển khai, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã nhận đỡ đầu 16 học sinh, hỗ trợ 200 nghìn đồng/tháng/em, với tổng kinh phí 57,6 triệu đồng.

Trao học bổng
Trao học bổng "Nâng bước em đến trường" cho học sinh huyện vùng biên Ea Súp.

Từ ý nghĩa nhân văn của chương trình, tình đoàn kết, gắn bó của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh với đồng bào các dân tộc trên biên giới thêm thắt chặt; các cấp, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng nhiệt tình ủng hộ, ghi nhận. Tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, bắt đầu từ tháng 1 năm 2016, Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận đỡ đầu 40 học sinh và tăng mức hỗ trợ lên 500 nghìn đồng/tháng/em. Cụ thể, mỗi thủ trưởng Bộ Chỉ huy, các Đồn, Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động nhận đỡ đầu ít nhất 2 học sinh; các phòng, văn phòng nhận đỡ đầu ít nhất 1 học sinh. Thời gian hỗ trợ, giúp đỡ tính từ thời điểm đơn vị đỡ đầu đến khi các em học xong lớp 12.

Để tăng thêm ý nghĩa chương trình, đồng thời trao học bổng đúng đối tượng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức khảo sát nhiều lần. Đại tá Trần Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: “Bộ Chỉ huy đã giao cho chỉ huy các Đồn Biên phòng triển khai khảo sát các cháu đang học từ lớp 1 đến lớp 12 trên địa bàn các xã: Krông Na (huyện Buôn Đôn); xã Ea Bung, Ya Lốp, Ia R’vê (huyện Ea Súp). Sau khi có danh sách, Bộ Chỉ huy tiếp tục cử lãnh đạo cùng Trợ lý Thanh niên trực tiếp đến từng địa chỉ, nắm bắt hoàn cảnh của các học sinh... Chỉ khi hỗ trợ đúng đối tượng, đúng địa chỉ gia đình, thì bà con các xã vùng biên mới phục; học sinh được hưởng thụ cũng sẽ có ý thức, động lực vươn lên trong học tập, đời sống”. 

Biết mình may mắn được đỡ đầu, em Trịnh Thị Thu Hiền (học sinh lớp 7B, Trường THCS Ea Bung, xã Ea Bung) rất vui. Bố mẹ ly dị và đều có gia đình mới, nên Hiền phải sống với bà ngoại. Tuổi thơ tuy buồn nhiều hơn vui, nhưng em luôn vươn lên học tập, đạt thành tích khá, giỏi. Hiền nghẹn ngào: “Nhiều lúc em lo sợ việc học tập của mình sẽ bị bỏ dở, vì bà đã ngoài 60 tuổi, lại mang bệnh nặng nên không thể lo cho em mãi được. Thế nhưng được các chú bộ đội giúp sức, em sẽ cố gắng vươn lên chinh phục ước mơ làm bác sĩ, chữa bệnh cho bà con nghèo khó”...

Trao con chữ, truyền hy vọng

Trên những nẻo đường vùng biên gập ghềnh đá sỏi, nơi đất và người còn nhiều khó khăn, sự hiện diện, tận tình của những người lính quân hàm xanh càng trở nên thân thương, gần gũi.

Cùng đồng đội thực hiện khảo sát tại một số hộ gia đình trên địa bàn xã Ea Bung, Trung úy chuyên nghiệp Lê Minh Hùng (Nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê) trải lòng: “Nhiều em hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng nghị lực học tập khiến anh em chúng tôi phải ngưỡng mộ. Nếu được trao con chữ, tin rằng, nhiều em sẽ chinh phục được ước mơ của mình”. Sẻ chia của anh Hùng cũng là điều mà nhiều người lính biên phòng cảm nhận khi thực hiện chương trình này...

 Bộ đội  Biên phòng tỉnh  thăm hỏi,  động viên anh em Nguyễn  Tiến Đạt.
Bộ đội Biên phòng tỉnh thăm hỏi, động viên anh em Nguyễn Tiến Đạt.

Ngoài tuổi 70, đáng lẽ phải an dưỡng tuổi già nhưng bà Đặng Thị Sửu (xã Ea Bung) vẫn ngày ngày phải lo lắng cho 2 đứa cháu ngoại là Nguyễn Tiến Đạt và Đặng Vũ Đình Hiếu. Mẹ mất sớm, bố lấy vợ khác khiến cuộc sống của 2 đứa trẻ khó khăn chồng chất. Nhà không có ruộng đất, sức khỏe bà đã kém, Đạt (hiện đang học lớp 5, Trường Tiểu học Ea Bung) bị tim bẩm sinh nên người còi cọc, ốm yếu... Tuổi thơ vất vả, nhưng Đạt vẫn gắng học, sau giờ học còn phụ giúp bà nấu cơm, quét nhà. Đạt nhắc đến các chú bộ đội đầy trìu mến: “Các chú hiền, hay nấu cơm cho anh em con ăn, rồi còn thường xuyên qua thăm bà nữa. Ngoài hỗ trợ gạo, các chú còn cho tiền để con được đi học. Con sẽ cố gắng để sau này trở thành bác sĩ, chăm sóc sức khỏe cho bà và mọi người”.

Cuộc sống gia đình bà Đặng Thị Lan (xã Ea Bung) xáo trộn từ khi chồng bị mù. Kinh tế eo hẹp, lại chủ quan về bệnh đục thủy tinh thể nên đôi mắt của ông Nguyễn Văn Đảng không thể lành lặn như trước. 3 năm liền, gia đình chạy chữa khắp nơi, tiền bạc cạn dần, nhưng không có kết quả, thậm chí sức khỏe của ông Đảng còn giảm sút nhiều hơn. Thương bố mẹ, Nguyễn Thị Quỳnh (học sinh lớp 7 C, Trường THCS Ea Bung) càng cố gắng học tập. Quỳnh tâm sự: “Anh trai bỏ học đi làm thuê rồi, em mà bỏ nữa chắc bố mẹ càng suy sụp thêm. Nghĩ vậy, em cố gắng học nhiều hơn để tích lũy kiến thức, sau này kiếm việc làm tốt để còn chữa bệnh cho bố nữa”. Đồng cảm trước hoàn cảnh đó, ngoài hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng, những người lính quân hàm xanh còn thường xuyên tới thăm, động viên gia đình, nhắc nhở Quỳnh học tập, rèn luyện...

Đó chỉ là một số trường hợp trong 40 hoàn cảnh khó khăn đã và đang được Bộ đội Biên phòng tỉnh dìu dắt, giúp đỡ. Rồi đây, những mầm thơ ấy sẽ tiếp nối truyền thống quê nhà, tích cực học tập, cùng tham gia xây dựng và bảo vệ quê hương vùng biên.

Đại tá Trần Anh Dũng chia sẻ thêm: “Ngoài chương trình nâng bước học sinh vùng biên đến trường, Bộ Chỉ huy sẽ phát động các Đồn tiếp tục phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia để hỗ trợ, giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn trên nước bạn”. 

 Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.