Multimedia Đọc Báo in

Trường Đại học Tây Nguyên: Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên

08:29, 30/03/2016

Theo quy định của Trường Đại học Tây Nguyên, sinh viên (SV) tốt nghiệp năm 2016 phải có chứng chỉ tiếng Anh trình độ B1 theo khung tham chiếu châu Âu (gọi tắt là chứng chỉ tiếng Anh B1). Sự cam kết này nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực có trình độ cao phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng.

Áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh

Như nhiều SV khóa 2012, từ sau Tết Nguyên đán Bính Thân, em H’Mươi H’Mok, lớp Văn học tập trung học môn ngoại ngữ để thi chứng chỉ tiếng Anh B1. Ngoài các buổi tối học chương trình tiếng Anh tăng cường do Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học của trường tổ chức, H’Mươi còn tải phần mềm luyện thi tiếng Anh B1 về máy điện thoại để rèn thêm các kỹ năng nghe, nói. SV H’Mươi cho biết: “Dù đã học ngoại ngữ từ bậc phổ thông và tiếp tục học 4 học phần tiếng Anh ở bậc đại học nhưng chủ yếu vẫn là ngữ pháp, nên em không đủ tự tin để tham dự đợt thi cấp chứng chỉ vào tháng 4 tới”. Tương tự, em Lê Thị Huệ, lớp Văn học K2012 cũng dồn tâm sức ôn luyện tiếng Anh để thi chứng chỉ B1. Nếu đến tháng 5-2016 mà không có chứng chỉ tiếng Anh theo quy định nộp cho phòng Đào tạo sẽ không được xét tốt nghiệp. Huệ nói: “Thấy nhiều bạn thi rớt, em lo lắm!”

Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên tự học  để trau dồi khả năng ngoại ngữ.
Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên tự học để trau dồi khả năng ngoại ngữ.

Ông Trương Hải, Phó trưởng Phòng Đào tạo trường cho biết: “Xác định rõ việc nâng cao và chuẩn hóa trình độ tiếng Anh cho SV là yêu cầu khách quan, cấp bách đáp ứng yêu cầu của xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế, căn cứ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, trường đã xây dựng, tổ chức giảng dạy đánh giá năng lực ngoại ngữ của sinh viên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dựa trên đề án của Bộ GD-ĐT đã ban hành năm 2014. Trường đã bổ sung vào Quy chế, SV tốt nghiệp năm 2016 (tuyển sinh khóa 2012) phải có chứng chỉ tiếng Anh B1. Đây là khóa đầu tiên áp dụng quy định này nên nhiều em có tâm lý “chờ xem sao” đến khi thấy trường kiên quyết áp dụng mới ráo riết học ngoại ngữ. Việc xây dựng và áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh được chuẩn bị chu đáo, theo lộ trình về mọi mặt: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên; đặc biệt là hoàn chỉnh chương trình đào tạo nhằm phát triển cả kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ: nghe, đọc hiểu, nói, viết phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời đáp ứng được các mục tiêu trong khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam do Bộ GD-ĐT quy định. SV khóa 2012 ngoài học 7 tín chỉ ngoại ngữ theo phân phối chương trình, nhà trường biên soạn thêm chương trình tiếng Anh tăng cường để hỗ trợ cho thi chứng chỉ B1 - đây là chương trình ngoại khóa, nếu thấy đủ kiến thức SV không cần đăng ký học. Còn sinh viên khóa 2013 thay vì học 7 tín chỉ, nhà trường nâng thêm 1 tín chỉ tiếng Anh và có thêm một phần ôn luyện bổ sung kiến thức cho các em để thi tốt chứng chỉ B1. Hiện có khoảng 700 trong tổng số gần 1.600 sinh viên khóa 2012 đã có chứng chỉ tiếng Anh B1. Như vậy còn hơn một nửa SV còn thiếu chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định để xét tốt nghiệp vào tháng 5 tới.

Đừng để “nước đến chân mới nhảy”

Theo khảo sát của SV Nguyễn Thị Xuân Hiếu, lớp ngoại ngữ K2013, trên 84,05% SV yêu thích học tiếng Anh khi vào đại học. Kết quả thi học kỳ I (năm học 2015-2016), gần 57% SV năm thứ nhất đạt điểm tiếng Anh trên trung bình. Từ đó thấy năng lực đầu vào môn tiếng Anh của SV khá khả quan, là nền tảng quan trọng cho quá trình học tập ở những năm đại học. Có nhiều cách để SV học tốt môn ngoại ngữ như: học theo khung chương trình đào tạo, tự học. Nhưng theo phản ánh của nhiều SV, với 4 học phần tiếng Anh bắt buộc ở bậc đại học (tương đương 7-8 tín chỉ), mỗi tín chỉ là 15 tiết học, mỗi tiết 45-50 phút là chưa đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ. Nhiều SV chủ động ứng dụng công nghệ thông tin như tải các phần mềm dạy tiếng Anh về điện thoại hay máy vi tính để tự học; một số SV khác lại có cách học ngoại ngữ thú vị hơn, ít tốn kém đó là học tiếng Anh qua những mẩu chuyện ngắn, xem phim, video có sub tiếng Anh… Niềm yêu thích chính là động lực để SV duy trì tự học và nâng cao không ngừng khả năng tiếng Anh của bản thân.

Một tồn tại trong công tác dạy-học tiếng Anh hiện nay, SV có thể viết, đọc, hiểu tiếng Anh tốt nhưng lại không giao tiếp được. Nguyên nhân là do SV ít có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài; chưa có môi trường thực hành tiếng Anh; thiếu sự tư vấn trong học ngoại ngữ. SV Hiếu đề xuất: “Nhà trường cần xây dựng một chương trình ngoại khóa nhằm nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh của SV như thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh, tổ chức các cuộc thi tiếng Anh, các buổi dã ngoại, giao lưu có sử dụng tiếng Anh và tăng cường việc giảng dạy của giảng viên bản ngữ… SV nên chủ động học tiếng Anh để “mưa dầm thấm lâu”, không nên nước đến chân mới nhảy”

Đất nước đang hội nhập nhanh, thị trường lao động mở rộng, tự do di chuyển với nhiều cơ hội, thách thức, người lao động sẽ phải cạnh tranh với nhiều lao động đến từ các nước ASEAN, châu Á và cả thế giới. Ngoài giỏi chuyên môn, có kỹ năng làm việc nhóm, chuyên nghiệp, thì người lao động cần phải giỏi ngoại ngữ – đó cũng là yêu cầu đặt ra với sinh viên hiện nay.

 Gia Nguyên 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.