Multimedia Đọc Báo in

Bồi dưỡng tình yêu tiếng mẹ đẻ cho học sinh Êđê

06:48, 02/05/2016
Năm học 2010-2011 ngành Giáo dục huyện Krông Pắc đưa môn học tiếng Êđê vào giảng dạy tại 6 trường tiểu học (TH) có đông học sinh (HS) Êđê và đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhà trường, phụ huynh, HS. 
 
Phòng GD-ĐT huyện phân công một lãnh đạo và chuyên viên phụ trách dạy tiếng Êđê; mỗi trường tổ chức dạy tiếng Êđê cử một thành viên Ban giám hiệu phụ trách môn học này; đồng thời thành lập tổ sinh hoạt chuyên môn tiếng Êđê, hằng tháng tổ chức sinh hoạt cụm chuyên môn liên trường để cán bộ quản lý, giáo viên giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm quản lý, phương pháp dạy học, vận động trẻ đến trường, xã hội hóa giáo dục nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường khi thực hiện nhiệm vụ này. Vào đầu mỗi năm học, các trường khảo sát, thống kê số lượng trẻ trong độ tuổi đến trường ở thôn, buôn có người Êđê sinh sống; những trường có từ 20 HS dân tộc Êđê ở mỗi khối lớp và có đủ cơ sở vật chất sẽ tổ chức dạy tiếng mẹ đẻ cho các em. Phòng GD-ĐT cử giáo viên người Êđê tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tham mưu cho UBND huyện cử các giáo viên người Êđê đang hợp đồng giảng dạy tại các trường TH tham gia lớp cao đẳng môn tiếng Êđê do Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk tổ chức. Nhờ vậy, đến nay bài toán thiếu giáo viên tiếng Êđê đã được khắc phục, với 22 giáo viên vững vàng về chuyên môn, tâm huyết, nhiệt tình với công việc, tăng 11 giáo viên so với năm học 2010-2011. Sau 5 năm triển khai “Đề án dạy tiếng Êđê trong trường phổ thông giai đoạn 2010-2015”, huyện Krông Pắc có 14/15 trường tiểu học (TH) có đông HS dân tộc Êđê tổ chức dạy tiếng mẹ đẻ cho 1.552 HS. 
Giờ học của HS Trường TH Y Jut, huyện Krông Pắc.
Giờ học của HS Trường TH Y Jut, huyện Krông Pắc.
 
Cô Nhâm Thị Thanh Hương, Phó Hiệu trưởng, phụ trách chuyên môn tiếng Êđê Trường TH Nơ Trang Lơng (xã Ea Yông) cho biết, trong tổng số  414 HS toàn trường có 159 HS dân tộc Êđê từ lớp 3 đến lớp 5 được học tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. HS Êđê được học tiếng mẹ đẻ làm cho các em thích đến trường, tự hào hơn về dân tộc mình, không còn rụt rè, nhờ đó chất lượng dạy học tiếng Việt và các môn học khác được cải thiện đáng kể. Không riêng Trường TH Nơ Trang Lơng mà ở hầu hết những trường TH tổ chức dạy tiếng Êđê, chất lượng giáo dục nâng lên rõ rệt. Đơn cử như ở Trường TH Cư Pul, năm học 2012-2013 tỷ lệ HS yếu là 3,5%, sau khi tổ chức dạy tiếng Êđê, năm học 2013-2014 tỷ lệ này giảm còn 2,0% và đến năm học 2014-2015 chỉ còn 0,9% HS chưa hoàn thành chương trình. Hay như ở Trường TH Cù Chính Lan, năm học 2012-2013 tỷ lệ HS yếu là 9,3% nhưng đến năm học 2014-2015 chỉ còn 5,4% HS chưa hoàn thành chương trình. 
 
Chủ trương dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số đã có từ những năm 1980, tuy nhiên việc triển khai còn gặp khó khăn. Có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến tình trạng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là đội ngũ giáo viên dạy tiếng Êđê. Những khó khăn này đã được tháo gỡ nhờ Nghị quyết số 03/2010/NQ-HĐND ngày 9-7-2010 của HĐND tỉnh về việc dạy tiếng Êđê trong trường tiểu học và trung học cơ sở giai đoạn 2010-2015 và “Đề án dạy tiếng Êđê trong trường phổ thông giai đoạn 2010-2015”. Căn cứ vào Nghị quyết, ngành Giáo dục huyện đề ra nhiều giải pháp với quyết tâm phát triển quy mô dạy tiếng Êđê trong nhà trường phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, phấn đấu đến năm 2015, đảm bảo các trường TH thuộc vùng đồng bào dân tộc Êđê đều triển khai dạy học tiếng Êđê. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng huyện đã chi ngân sách và tranh thủ nguồn vốn huy động xã hội hóa giáo dục đầu tư xây dựng, sửa chữa nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa đáp ứng cơ bản các điều kiện dạy và học, đặc biệt phát triển quy mô trường, lớp dạy tiếng Êđê. Năm 2015, phòng GD-ĐT huyện vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án dạy tiếng Êđê trong trường phổ thông giai đoạn 2010-2015. 
 
 Krông Pắc là địa phương có hơn 33% dân số là người dân tộc thiểu số, việc đưa tiếng Êđê vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tương tự như việc HS người Kinh cần học tốt tiếng Việt trước khi học một ngôn ngữ khác, HS người Êđê tiếp thu tiếng Việt và chương trình học phổ thông tốt hơn nếu trước đó được học tiếng mẹ đẻ. Mặt khác, có một thực tế nhiều gia đình người Êđê dạy con trẻ nói tiếng phổ thông mà không dạy nói tiếng mẹ đẻ dẫn đến nhiều em HS có thể nói thông thạo nhưng lại không viết được tiếng của dân tộc mình. Vì vậy, việc dạy tiếng mẹ đẻ cho HS Êđê là rất cần thiết nhằm giữ gìn và phát triển vốn văn hóa của các dân tộc.
 
Nguyên Hoa

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.