Multimedia Đọc Báo in

Không được phép lưu ban!

07:11, 22/05/2016

Các trường phổ thông đang khẩn trương hoàn tất chương trình, chuẩn bị kết thúc một năm học, trong đó việc chấm điểm xếp loại học sinh vẫn khiến nhiều giáo viên “đau đầu”, bởi vì thực tế có những học sinh học kém thực sự, nhưng vẫn được lên lớp, vì… không được phép lưu ban!

Thông thường, một lớp học có khoảng 40-45 học sinh, trong đó cũng có thể có một vài học sinh học yếu, tiếp thu chậm, không đủ điều kiện lên lớp. Trong quy chế công nhận trường chuẩn quốc gia bậc phổ thông, về tiêu chí chất lượng giáo dục cũng được Bộ Giáo dục- Đào tạo quy định:“Tỷ lệ học sinh bỏ học và lưu ban hàng năm không quá 5%”. Như vậy mỗi năm học, một trường với vài trăm học sinh mà có một vài chục em (không quá 5% tổng số học sinh toàn trường) lưu ban cũng là chuyện bình thường. Nhưng thực tế, con số này rất ít ỏi, không phải vì chất lượng giáo dục đã được nâng cao, mà vì hầu như cả phía nhà trường lẫn phía phụ huynh đều có sự nhìn nhận chưa đúng về vấn đề này, xem chuyện học sinh lưu ban là vấn đề hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thành tích, danh dự của nhiều phía nên “không được phép” xảy ra. Từ đó, dẫn đến tình trạng dù trong lớp có học sinh yếu kém thực sự thì cuối năm giáo viên chủ nhiệm vẫn phải cố tìm cách “biến hóa” sao cho đủ điểm lên lớp, nên tỷ lệ lên lớp phổ biến vẫn là trên 95%, thậm chí 99,9…%, trường hợp lớp nào có tỷ lệ thấp hơn  thì giáo viên chủ nhiệm bị… xem lại trách nhiệm, năng lực! Vì thế nên mới có trường hợp phụ huynh than phiền là thấy con mình học kém quá đã xin cô giáo cho cháu ở lại lớp để học lại cho chắc nhưng cô giáo không đồng ý; có trường hợp giáo viên than phiền là trong lớp có vài học sinh học đã lưu ban 2 năm liên tiếp mà vẫn học kém, theo quy định thì học sinh không được lưu ban quá 2 lần trong 1 cấp học, nên đành phải cho lên lớp…

Cứ như vậy, càng học lên cao sức học các em càng đuối dần. Còn nhớ, kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, dù đề thi được thiết kế cho học sinh trung bình cũng có thể đạt mức điểm trung bình nhưng khá nhiều thí sinh bị điểm “liệt” (từ 1 điểm trở xuống), nghĩa là  các em đã hoàn toàn hổng kiến thức cơ bản. Theo như nhận xét của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm học 2015-2016 của ngành giáo dục, điều này chứng tỏ chất lượng giáo dục thực sự có vấn đề, thậm chí nhiều học sinh đáng ra phải lưu ban từ những năm học trước.

Để khắc phục tình trạng thành tích ảo trong giáo dục  cần có lộ trình, nhưng điều có thể làm ngay là chấn chỉnh lại việc “không được phép” lưu ban, làm thay đổi nhận thức của mọi người về vấn đề này. Lưu ban là điều không ai muốn, nhưng cũng không phải là điều xấu, không thể cứ đổ lỗi cho học sinh hoặc giáo viên chủ nhiệm. Có rất nhiều nguyên nhân khiến học sinh học kém, nếu bị la mắng, chê trách, chế giễu các em càng dễ mặc cảm, chán nản dẫn đến bỏ học. Với những học sinh thực sự yếu kém, không đủ điều kiện lên lớp, nếu thực lòng muốn giúp đỡ các em tiến bộ thì cần mạnh dạn, kiên quyết cho lưu ban. Đồng thời, phải  động viên, chia sẻ, tìm hiểu rõ đặc điểm hoàn cảnh của từng em để có biện pháp giúp đỡ phù hợp. Khi được tạo điều kiện học lại, giúp bổ sung kiến thức bị thiếu hụt, lấy lại kiến thức căn bản, các em sẽ tự tin lấy đà bước tiếp một cách vững chắc hơn.

Hoa Hồng


Ý kiến bạn đọc