Multimedia Đọc Báo in

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016: Hạn chế học sinh bị điểm liệt

14:12, 24/05/2016

Ngoài chỉ đạo các trường trung học phổ thông (THPT), trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) trên địa bàn tỉnh tăng tốc ôn tập cho học sinh lớp 12, Sở GD-ĐT cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi địa phương. Phóng viên Báo Đắk Lắk có cuộc phỏng vấn nhanh ông THÁI VĂN TÀI, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT về nội dung này.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Văn Tài
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Văn Tài
    +Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, công tác ôn tập cho học sinh lớp 12 được các trường, trung tâm GDTX triển khai như thế nào, thưa ông?
 
Công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia được ngành chỉ đạo các đơn vị triển khai từ đầu năm học. Theo đó, tùy điều kiện thực tế, các trường đã tổ chức phụ đạo cho học sinh 2 môn: Toán, Ngữ văn hay là thêm một số môn tự chọn theo nguyên vọng. Năm học 2015-2016 vừa kết thúc, các trường, trung tâm lại bước vào giai đoạn 2 của đợt ôn tập nhằm củng cố kiến thức cho học sinh trên cơ sở các môn thi tốt nghiệp THPT quốc gia đã đăng ký. Đáng biểu dương có trường đã huy động giáo viên trong độ tuổi Đoàn, giáo viên là đảng viên tổ chức ôn tập miễn phí trong 2 tuần cho HS nhằm củng cố kiến thức, trang bị cho các em một số kỹ năng làm bài thi.
 
    +Ở kỳ thi năm 2015, có nhiều thí sinh thi rớt tốt nghiệp THPT do bị điểm liệt, vậy trong công tác chỉ đạo thi năm nay Sở GD-ĐT có lưu ý các trường về điều này?
 
Các em có một tháng để dốc sức ôn tập thi tốt nghiệp THPT, nhưng thực tế các em đã được các thầy cô trang bị kiến thức, tâm thế thi từ đầu năm học 2015-2016. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, đề thi THPT quốc gia năm nay nằm trong chương trình sách giáo khoa, trọng tâm là lớp 12. Do đó, Sở GD-ĐT lưu ý ở giai đoạn nước rút (một tháng trước kỳ thi), các trường phải phân loại trình độ HS để tổ chức ôn tập, phân bổ thời gian ôn tập giữa các môn thi hợp lý, hạn chế tình trạng bị điểm liệt ở mônToán và một số môn xã hội. Muốn làm tốt điều này phải phân hóa đối tượng HS trong ôn tập; không lãng phí thời gian của các em trong thời gian còn lại, tránh tình trạng ỷ lại thời gian nghỉ hè hoặc xả hơi sau lễ tổng kết năm học. 
 
Thông tin tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng được phát đến tận tay thí sinh.
Thông tin tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng được phát đến tận tay thí sinh.
    +Năm nay, số lượng HS đăng ký dự thi ở cụm thi địa phương tăng, ông có nhận xét gì về điều này?
 
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016, toàn tỉnh có 7.307 thí sinh đăng ký dự thi ở cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì (chỉ lấy kết quả xét tốt nghiệp), tăng hơn 900 thí sinh so với năm 2015. Qua đây cho thấy, công tác phân luồng HS bước đầu đem lại hiệu quả. Qua kiểm tra tại một số trường THPT cho thấy nhiều em học sinh có học lực rất tốt nhưng vẫn đăng ký dự thi ở cụm thi địa phương để chọn cho mình hướng rẽ phù hợp với  nhu cầu nhân lực xã hội hiện nay. Sở GD-ĐT đánh giá cao công tác tư vấn, hướng nghiệp của các nhà trường, đặc biệt là sự "đồng hành" của các cơ quan báo chí trong công tác tư vấn, hướng nghiệp tuyển sinh giúp các em lựa chọn hướng đi phù hợp. 
 
    +Đến thời điểm này, Sở GD-ĐT chuẩn bị cho cụm thi địa phương như thế nào thưa ông?
 
Với số lượng thí sinh đăng ký dự thi chỉ để lấy kết quả xét tốt nghiệp, Sở GD-ĐT bố trí 15 điểm thi, với 306 phòng thi tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Trong tổng số hơn 700 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi, giám sát thi tại cụm thi địa phương có hơn 50% đến từ các trường đại học trong cả nước. Không ít người lo lắng, học sinh sẽ bị áp lực bởi lực lượng cán bộ, giáo viên đến từ các trường đại học. Quy định tăng cường lực lượng giám sát từ bên ngoài đã được Bộ GD-ĐT ban hành từ đầu năm học và các trường cũng đã phổ biến rộng rãi đến học sinh, vì vậy các em hãy vững tin hoàn thành bài tốt bài thi của mình.
 
    + Xin cảm ơn ông!
 
Nguyên Hoa ( thực hiện
 
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.