Multimedia Đọc Báo in

Những giáo viên - Tổng phụ trách Đội tâm huyết

10:14, 04/05/2016

Tham dự Hội thi “Giáo viên-Tổng phụ trách Đội (TPTĐ) giỏi cấp tỉnh năm học 2015-2016” diễn ra vào đầu tháng 4 vừa qua không ít thí sinh chia sẻ để làm được công việc vất vả và chịu nhiều áp lực này, ngoài sự nhiệt tình, gương mẫu, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng…

Giờ chào cờ thú vị

Đúng 7 giờ sáng thứ Hai, học sinh (HS) Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (xã Ya Lốp, huyện Ea Súp) có mặt đông đủ tại sân trường để tham dự tiết chào cờ đầu tuần. Sau phần chào cờ theo nghi thức Đội, nhận xét công việc trong tuần, là sinh hoạt chủ điểm với chủ đề “Ngày Tết quê em”. Ngoài 2 tiểu phẩm tuyên truyền về an toàn thực phẩm, một tiết mục văn nghệ do lớp trực tuần thực hiện là phần đố vui xoay quanh chủ đề ngày Tết như: Ngày 23 tháng Chạp được gọi là ngày gì? Nguyên liệu chính để làm ra bánh chưng? Hoa gì biểu trưng cho mùa Xuân ở miền Nam?... Phần thưởng cho mỗi câu trả lời đúng là cục tẩy, cây thước, chiếc bút chì… Kết thúc tiết chào cờ là thông báo kết quả thi đua, trao cờ thi đua cho các lớp xuất sắc trong tuần; triển khai một số hoạt động của tuần tới.

Các giáo viên-Tổng Phụ trách Đội trao đổi kỹ năng công tác Đội.
Các giáo viên-Tổng Phụ trách Đội trao đổi kỹ năng công tác Đội.

Thầy Nguyễn Văn Sơn, TPTĐ Trường Tiểu học Nguyễn Trãi cho biết: “Chào cờ đầu tuần là nghi thức truyền thống; đối với các trường tiết chào cờ không chỉ đánh giá, tổng kết hoạt động thi đua trong tuần, triển khai chủ đề hoạt động trong tuần tiếp theo mà còn giáo dục HS về nhân cách, đạo đức… Tuy nhiên, tuần nào cũng vậy sẽ khiến HS nhàm chán”. Gắn bó với ngôi trường ở xã biên giới nhiều năm, cách trung tâm huyện khoảng 50 km nhiều năm, thầy Sơn hiểu rõ những thiệt thòi của HS nơi đây. Bên cạnh những nội dung đã được xây dựng theo chủ điểm hằng tuần, hằng tháng, mỗi tiết chào cờ thầy Sơn còn tích hợp thêm nhiều chủ đề thời sự - xã hội gần gũi với HS như: biển đảo quê hương, tình yêu biên giới, đi học trong mùa lũ, an toàn giao thông, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, tiết kiệm nước trong mùa khô, cách phòng chống cảm nắng… nhằm trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng sống. “Với không khí hào hứng, sôi nổi thông qua các tiểu phẩm, mẩu  chuyện, trò chơi hái hoa dân chủ, giờ chào cờ đầu tuần ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi nhẹ nhàng, cuốn hút, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho HS. Giờ chào cờ còn là diễn đàn để HS nói lên tâm tư, tình cảm của tuổi học trò”, ông Bùi Văn Đức, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ea Súp nhận xét. Mô hình cải tiến tiết chào cờ đầu tuần của Liên đội Trường Tiểu học Ea Súp đã được nhân rộng trong toàn huyện.

Để học sinh hứng thú tham gia hoạt động Đội

Trăn trở trước thực trạng nhiều HS không hứng thú tham gia hoạt động Đội, thầy Trịnh Quyết Tiến, TPTĐ Trường THCS Hoàng Diệu (xã Cư Prông, huyện Ea Kar) đã tham mưu cho nhà trường thiết kế các chương trình hoạt động phong phú, đa dạng như: thi tuyên truyền măng non theo chủ điểm, thi hát dân ca, thi vẽ tranh, các trò chơi dân gian… Đặc biệt là thành lập câu lạc bộ học tập, câu lạc bộ thể thao, câu lạc bộ theo sở thích… Để duy trì các câu lạc bộ này, thầy Tiến hướng dẫn HS xây dựng lịch sinh hoạt khoa học, nghiêm túc thực hiện. Chưa hết, để tạo không khí thi đua, từng câu lạc bộ đăng ký tham gia một số cuộc thi, hội thi do nhà trường hoặc cấp trên tổ chức.

Khi “tranh tài” từng thành viên sẽ nỗ lực đem thành tích về cho câu lạc bộ, cho trường, chính vì vậy ngày càng thu hút nhiều thành viên tham gia. Thầy Tiến cho biết: “Trường ở xã vùng sâu, vùng xa, với 70% HS là người dân tộc thiểu số. HS chưa tích cực tham gia hoạt động Đội, một phần do nội dung sinh hoạt đơn điệu, hội thi ít, giáo viên phụ trách công tác Đội thiếu kỹ năng…”. Sau khi đổi mới hình thức, nội dung hoạt động Đội, chất lượng học tập, rèn luyện tiến bộ hẳn. Hằng năm có khoảng 80% số lớp đạt danh hiệu tiên tiến, Chi đội mạnh; có 95% đội viên đạt hạnh kiểm tốt, khá; 99% học sinh lên lớp thẳng; 35% HS xếp loại học lực giỏi, khá; tình trạng HS đi học muộn, không chấp hành nội quy giảm. Liên tục từ năm 2010, Liên đội Trường THCS Hoàng Diệu đạt danh hiệu Liên đội mạnh cấp huyện.

Theo quy định, trường tiểu học và trung học cơ sở được biên chế 1 giáo viên -TPTĐ. Đối với trường loại 1 thì TPTĐ không phải dạy, trường loại 2 dạy 1/3 số tiết, trường loại 3 dạy 1/2 số tiết theo quy định. Nếu như một giáo viên dạy lớp bình thường chỉ đảm nhận số tiết quy định (tiểu học dạy 23 tiết/tuần, trung học cơ sở dạy 19 tiết/tuần), còn giáo viên làm công tác Đội thường phải túc trực cả ngày ở trường, hằng ngày phải đi sớm để lo vệ sinh trường học, quản lý 15 phút đầu giờ. Các phong trào hoạt động của Đội thường tổ chức vào ngày nghỉ, lễ nên nhiều tuần giáo viên TPTĐ không có ngày nghỉ. Giáo viên-TPTĐ không có nghỉ hè vì phải tổ chức sinh hoạt hè cho HS. Áp lực công việc, áp lực về thời gian, nhưng với tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ, nhiều giáo viên làm công tác Đội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, là người “giữ lửa” các phong trào thi đua trong các trường tiểu học, trung học cơ sở.

4 năm mới được tổ chức lần, nên Hội thi Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi tỉnh năm học 2015-2016 là sân chơi đầy sức hút. Để đến được với sân chơi cấp tỉnh, 80 thí sinh phải 2 lần xuất sắc đoạt giải cấp huyện, thị xã, thành phố (định kỳ 2 năm tổ chức 1 lần); ở Hội thi cấp tỉnh, thí sinh phải vượt qua 4 phần thi: báo cáo sáng kiến kinh nghiệm, kiến thức, thực hành và năng khiếu. Và khi ấy, thí sinh đi thi không phải đi thi cho riêng mình mà còn gánh trọng trách “màu cờ sắc áo của trường, của huyện”.

 

 Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.