Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui từ những phòng học mới

08:54, 27/05/2016

Ea Rớt là điểm trường lẻ nằm cách điểm trường chính của Trường Tiểu học Cư Pui 2, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) 20 km, với 175 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.

Học sinh ở đây đa số là người dân tộc Mông di cư ngoài kế hoạch, hầu hết đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Những năm qua, học sinh của điểm trường này vẫn phải học trong những căn phòng gỗ, tạm bợ do người dân tự làm cách đây hơn chục năm, giờ đã xuống cấp.

 Học sinh điểm trường Ea Rớt trong ngày tổng kết năm học 2015-2016.
Học sinh điểm trường Ea Rớt trong ngày tổng kết năm học 2015-2016.

Do điểm trường cũ nằm trong vùng ngập nước nên vừa qua, xã Cư Pui đã quy hoạch xây dựng 4 phòng học ở địa điểm mới, thuận lợi hơn để các em tiếp tục học tập. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: “Để xây dựng được 4 phòng học mới, địa phương đã xin hơn 1 ha đất do Công ty Lâm nghiệp Krông Bông quản lý; đồng thời huy động người dân chặt cây, san ủi mặt bằng, đóng góp thêm ngày công để thi công xây dựng. Với hơn 400 triệu đồng được Dự án Thủy lợi Krông Pắc Thượng hỗ trợ di dời, sau hơn 2 tháng thi công, gần cuối năm học 2015-2016, các phòng học đã hoàn thành, đưa vào sử dụng”.

Được học trong phòng mới, địa điểm mới, đường đi thuận lợi, thầy và trò ở điểm trường Ea Rớt rất vui. Em Lò Thị Dợ, học sinh lớp 4 vui vẻ bày tỏ: “Trước đây chúng em phải đi học xa, lại phải học ở phòng tạm; trời nắng thì gió bụi, trời mưa to thì nước tạt vào ướt sách vở. Giờ được ngồi học trong phòng xây thoáng mát, đủ ánh sáng để học em thích lắm…”.

Không chỉ riêng thầy và trò của điểm trường Ea Rớt phấn khởi, mà người dân thôn Ea Rớt cũng rất vui mừng, bà con đã đóng góp thêm 10 triệu đồng và hàng trăm ngày công làm hàng rào, cổng trường để bảo vệ cơ sở vật chất của điểm trường. Ông Lò Tiến Dũng, Trưởng thôn Ea Rớt chia sẻ: “Khi những phòng học xây xong, bà con trong thôn mừng lắm vì giờ đây con em họ đã được học tập trong căn phòng khang trang, kiên cố…”.   

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.