Để không thua ngay trên sân nhà!
"Đất nước đang hội nhập sâu rộng đã mở ra một hướng đi mới, cơ hội cho người lao động, nhất là lao động trí thức trong quá trình xây dựng sự nghiệp. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của lao động Việt Nam hiện nay là khả năng ngoại ngữ”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh mở đầu câu chuyện với các tân kỹ sư (hệ vừa học vừa làm) như vậy trong lễ phát bằng tốt nghiệp tại Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk mới đây.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dũng phân tích, quy định về 8 ngành nghề mà lao động có thể dịch chuyển tự do trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mở ra nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra không ít những thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam. Không ít người lao động Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế do khả năng giao tiếp tiếng Anh yếu kém. Do vậy, ngoài nỗ lực học tập nâng cao kỹ năng chuyên môn, kỷ luật lao động, các tân kỹ sư cần phải trau dồi khả năng ngoại ngữ, có như vậy mới không bị thua ngay trên sân nhà. Điều này cũng đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định tại Hội thảo “Định hướng chiến lược dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016-2020” vừa diễn ra tại Hà Nội: “Một trong những thách thức lớn nhất trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chính là khả năng sử dụng tiếng Anh”.
Sinh viên chuyên ngữ Trường Đại học Tây Nguyên trau dồi kỹ năng giao tiếp. |
Trước xu thế hội nhập, nhiều phụ huynh (nhất là ở các đô thị lớn) không tiếc thời gian, tiền bạc cho con tiếp cận tiếng Anh từ rất sớm; thậm chí nhiều phụ huynh đã bỏ ra một khoản học phí không nhỏ cho con học tại các trung tâm ngoại ngữ có giáo viên người bản ngữ, song kết quả không như mong đợi! Theo các giáo viên dạy tiếng Anh lâu năm, việc học ngoại ngữ cũng giống như một đứa trẻ học tiếng mẹ đẻ, việc học cần bắt đầu bằng việc lắng nghe-bắt chước và tập nói, sau đó mới học viết và đọc. Tuy nhiên quá trình học ngoại ngữ của các bạn trẻ Việt Nam lại ngược lại, quá chú trọng vào ngữ pháp, thiếu thực hành nên khả năng giao tiếp còn hạn chế. Rất nhiều sinh viên sau khi ra trường có kỹ năng đọc hiểu rất tốt, có thể trả lời email và soạn tài liệu thành thạo, tuy nhiên khi gặp gỡ người nước ngoài lại ấp úng, không thể giao tiếp trôi chảy. Điều này rất đáng để những nhà quản lý giáo dục suy nghĩ?
Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành Giáo dục cần nghiêm túc đánh giá, đúc kết các bài học kinh nghiệm thời gian qua, từ đó xây dựng, triển khai hiệu quả chiến lược dạy và học ngoại ngữ theo hướng kiến tạo và hội nhập trên cơ sở tăng cường hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế có nhiều kinh nghiệm. Trước hết, cần bồi dưỡng nâng cao năng lực người dạy, chất lượng nguồn học liệu và phương tiện dạy học, nâng cao chất lượng công tác khảo thí nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh cho mọi đối tượng người học; sớm chuyển việc học tiếng Anh theo kiểu “đối phó”, chiếu lệ thành động lực, đam mê và đẩy nhanh việc phổ cập tiếng Anh cho các đối tượng tham gia vào quá trình hội nhập, đặc biệt là giới trẻ. Về phía người học phải xác định tiếng Anh là công cụ, là ngôn ngữ làm việc do đó phải thực sự chủ động trong việc học để không còn là rào cản, có như vậy mới không thua ngay trên sân nhà.
Hoa Nguyên
Ý kiến bạn đọc