Đại học không phải là con đường duy nhất
Tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, số lượng thí sinh dự thi ở cụm địa phương do Sở Giáo dục – Đào tạo Đắk Lắk chủ trì nhiều hơn năm ngoái cho thấy ngành Giáo dục và phụ huynh đã làm tốt công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Điều quan trọng hơn là chính các em đã nhìn nhận rõ năng lực bản thân và xác định được con đường tương lai của mình.
Mặc dù điểm tổng kết các môn đạt 6,5 nhưng em Nguyễn Thị Bích Phụng, học sinh Trường THPT Y Jút (huyện Cư Kuin) vẫn quyết định chọn thi ở cụm địa phương, dồn sức ôn tập với quyết tâm đỗ tốt nghiệp ngay năm đầu. Phương bộc bạch: “Học đại học 4 năm khá tốn kém chi phí và cũng gặp nhiều khó khăn khi xin việc làm. Do vậy, em quyết định chỉ thi xét tốt nghiệp, sau đó ôn tập để thi trung cấp sư phạm mầm non. Đây là ngành nghề em yêu thích, hơn nữa trong xu thế hiện nay, các trường mẫu giáo mở ra ngày càng nhiều sẽ có thêm cơ hội việc làm”. Là một trong những học sinh có học lực khá (điểm tổng kết lớp 12 đạt 7,1) của Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Cư M’gar) nhưng em H’Thư Êban vẫn không muốn thử sức tại cụm thi Quốc gia mà chọn thi ở cụm địa phương xét tốt nghiệp. Theo H’Thư, đại học không phải là cánh cửa duy nhất trên con đường lập thân, lập nghiệp mà quan trọng là việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng và sở thích của bản thân. H’Thư chia sẻ: “Em thích nghề y nhưng tự thấy khả năng tài chính của gia đình và năng lực bản thân không phù hợp với đại học nên chọn học trung cấp y ở Buôn Ma Thuột. Sau này có điều kiện em sẽ học liên thông sau”. Bên cạnh đó, cũng có nhiều thí sinh năm trước chưa đỗ, năm nay quyết tâm thi lại để có bằng tốt nghiệp THPT nhằm tìm kiếm cơ hội học nghề tốt hơn. Chẳng hạn như em Nay Vinh (dân tộc Gia Rai), học sinh Trường THPT Ea H’leo. Sinh ra trong gia đình làm nông nên Nay Vinh cũng yêu thích nghề trồng trọt, chăm sóc các loại cây cối. “Năm ngoái thi chưa đỗ, em đã lên TP. Buôn Ma Thuột vừa làm thuê, vừa ôn thi. Em sẽ quyết tâm có được tấm bằng THPT để có thể đăng ký học nghề nông nghiệp ở một trường cao đẳng nghề trên địa bàn thành phố”, Nay Vinh bộc bạch.
Thí sinh điểm thi THPT Cư M’gar tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. |
Không chỉ có học sinh mà nhiều phụ huynh cũng đã tìm hiểu, nắm bắt thông tin của kỳ thi “2 chung” nhằm kịp thời định hướng nghề nghiệp cho con em. Ông Y Thái Niê Kdăm ở xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) cho biết: “Biết học lực của con gái chỉ ở mức trung bình nên vợ chồng tôi cũng bàn bạc và tư vấn cho con chọn thi ở cụm địa phương, sau đó đi học nghề may mặc theo sở thích. Cháu cũng đồng tình với định hướng này”. Mặc dù gia cảnh còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng chị H’Nuên Kla (buôn Sah A, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) vẫn nỗ lực canh tác 1 ha rẫy để chăm lo cho 3 con ăn học. Ban đầu chị cũng chưa biết thế nào là thi “2 chung” nên đã hỏi thăm cán bộ phụ nữ để nắm bắt thông tin, trò chuyện, chia sẻ cùng con gái. Biết nguyện vọng của con chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp, sau đó sẽ học trung cấp sư phạm mầm non, chị đã đồng ý và động viên con cố gắng đạt được mục tiêu của mình.
Theo ông Thái Văn Tài, Phó giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phân luồng và tổ chức tốt công tác tư vấn, định hướng nghề cho học sinh THCS, THPT; đồng thời, phân công cán bộ, chuyên viên phụ trách công tác này. Các trường THCS, THPT phối hợp chặt chẽ với các trường, trung tâm đào tạo nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức tư vấn trực tiếp cho học sinh cuối cấp thông qua các buổi sinh hoạt tập thể, ngoại khóa; đồng thời chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo những ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường lao động trong nước và khu vực nhằm hướng dẫn học sinh lựa chọn ngành học phù hợp với nguyện vọng, năng khiếu của bản thân và đáp ứng nhu cầu xã hội.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều con đường dẫn đến thành công. Điều quan trọng là bản thân mỗi em hãy biết nuôi dưỡng và quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình bởi đại học không phải là con đường duy nhất.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc