Multimedia Đọc Báo in

Mệt mỏi vì bị tờ rơi "tấn công"

16:52, 13/07/2016
Những ngày thi vừa qua, nhiều phụ huynh và thí sinh vừa phải đối mặt với tâm lý căng thẳng, thời tiết nắng nóng mà còn mệt mỏi khi bị bủa vây bởi những người phát tờ rơi quảng cáo. 
 
“Đến hẹn lại lên”, hầu như tất cả các địa điểm thi cử đều có các nhân viên phát tờ rơi với những thông tin liên quan đến tuyển sinh đại học, cao đẳng, du học, bán sim giá rẻ... Bị các thanh niên phát tờ rơi liên tục làm phiền, tờ rơi đến tới tấp đã gây tâm lý mệt mỏi, khó chịu cho nhiều phụ huynh, thí sinh. 
 
Tại cổng Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk rất đông nhân viên phát tờ rơi, gần như chỗ nào có phụ huynh chờ con em thi, đều có người tới quảng cáo, tiếp thị. Trong lúc đợi con thi, một phụ huynh liên tục nhận được tờ rơi của các trường dân lập, doanh nghiệp... Ban đầu, cô vui vẻ nhận, nhưng vì người tiếp thị càng lúc càng đông nên cô đã từ chối. “Có thể cô không cần, nhưng nó sẽ rất hữu dụng cho bạn bè, người thân của cô” – nữ nhân viên phát tờ rơi bán sim giá rẻ liên tục nài nỉ. Dù không muốn, nhưng cuối cùng phụ huynh cũng phải cầm tờ rơi để đỡ bị làm phiền. Còn tại cổng sau Trường ĐH Tây Nguyên, các bậc cha mẹ cũng hoa mắt bởi liên tục nhận được tờ rơi gồm nhiều thông tin liên quan đến tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp của các trường dân lập... Đa phần tờ rơi ca ngợi cơ sở vật chất hiện đại, rồi đưa ra những hứa hẹn, ưu đãi cho thí sinh khi tham gia học tập. Mệt mỏi trước “ma trận” thông tin, nhiều phụ huynh xem qua rồi dùng làm quạt mát, che nắng, lót chỗ ngồi, thậm chí vứt ngay sau khi nhận.  
 
Để tạo niềm tin cho phụ huynh, không ít nhóm phát tờ rơi khoác trên mình chiếc áo xanh tình nguyện, gây ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh sinh viên tình nguyện... Đành rằng, nhiều trường, nhiều ngành, nghề mới mở ra cần được thông tin rộng rãi để mọi người được biết và tham gia học. Nhưng có nên gây phức tạp, rối rắm cho học sinh, nhất là lúc đang bị áp lực thi cử?  
 
Không chỉ tại điểm thi, thường ngày, đội ngũ phát tờ rơi còn đến tận cổng, thậm chí vào phòng trọ để giới thiệu các chương trình, hoạt động của doanh nghiệp, cửa hàng. Anh Nguyễn Quang Vinh (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, gần như ngày nào đi làm về, vợ chồng anh cũng thấy trước cổng nhà có đầy các loại tờ rơi, thậm chí còn “cẩn thận” dán thông tin lên cổng sắt. Không chỉ vậy, anh khá bực bội bởi ngay tại các điểm giữ xe công cộng cũng thường xuyên bị nhét tờ rơi ở giỏ, yên, hộc xe... 
 
Đó là chưa kể, hằng ngày, tại các trụ đèn giao thông lúc tan tầm, tranh thủ lúc đèn đỏ, nhiều nhân viên phát tờ rơi vội vàng đưa cho người đi đường. Thậm chí, khi đèn đã chuyển màu xanh, họ vẫn cố gắng dúi tới tấp tờ rơi, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Sau mỗi lần như vậy, khu vực trụ đèn vương đầy tờ rơi, gây mất mĩ quan đô thị và làm vất vả thêm cho người lao công...
 
Việc “bội thực” tờ rơi được báo chí phản ánh nhiều, nhưng gần như điệp khúc ấy vẫn cứ lặp lại, đặc biệt là tại các điểm thi cử. Hơn ai hết, đứng giữa “biển” thông tin, phụ huynh, học sinh cần sáng suốt lựa chọn phù hợp, tốt nhất cho mình.
 
Song Quỳnh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.