Multimedia Đọc Báo in

"Sân chơi" bổ ích, thiết thực của giáo viên dạy nghề

11:26, 11/07/2016
Là hoạt động chuyên môn thường kỳ do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức, Hội giảng giáo viên dạy nghề cấp tỉnh năm 2016 đã trở thành “sân chơi” bổ ích, thiết thực để các thầy, cô giáo thể hiện khả năng, nghiệp vụ sư phạm cũng như năng lực sáng tạo, niềm đam mê với công tác dạy nghề. 
 
Hội giảng giáo viên dạy nghề cấp tỉnh năm nay thu hút sự tham gia của 69 giáo viên dạy nghề thuộc 6 cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh gồm: Trường Cao đẳng Nghề (CĐN) Đắk Lắk, Trường CĐN Thanh niên dân tộc Tây Nguyên, Trung tâm Đào tạo nghề tại Đắk Lắk (Trường CĐN số 5 – Bộ Quốc phòng), Trung tâm Dạy nghề cơ giới Thành Luân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M’gar. Các giáo viên tranh tài ở 16 nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, trong đó có một số nghề đang “hot” hiện nay như: công nghệ ô tô, lái xe ô tô, điện công nghiệp, quản trị mạng, chế biến cà phê-ca cao, chế biến món ăn, may thời trang… 
 
Cô Phan Thị Loan, giáo viên Trường CĐN Thanh niên dân tộc Tây Nguyên tham gia hội giảng với bài thi “Pha cà phê Latte Machiato” cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia hội giảng cấp tỉnh nên không tránh khỏi hồi hộp, lo lắng. Để chuẩn bị cho hội giảng, tôi đã tìm tòi thêm các kiến thức trên mạng, thường xuyên trao đổi nội dung bài giảng với đồng nghiệp nhằm xây dựng phương pháp truyền đạt hiệu quả, thực hành nhiều lần để pha chế sản phẩm nhuần nhuyễn. Qua hội giảng, chúng tôi rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn chức trách của người thầy”.
Giáo viên Trường CĐN Đắk Lắk tham gia thi nghề Điện công nghiệp.
Giáo viên Trường CĐN Đắk Lắk tham gia thi nghề Điện công nghiệp.
Mặc dù đã từng tham gia nhiều hội thi, hội giảng giáo viên dạy nghề các cấp và đoạt giải cao, nhưng đối với thầy Chu Văn Đức, giáo viên Trường CĐN Đắk Lắk thì hội giảng năm nay rất thú vị, bổ ích bởi có cơ hội học hỏi thêm nhiều phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả nhằm nâng cao kiến thức, tay nghề cho học sinh. Nhờ có nghiệp vụ sư phạm vững vàng và kinh nghiệm chuẩn bị giáo án, hồ sơ bài giảng nên thầy Đức không bị bất ngờ khi bốc thăm trúng bài thi “Van đảo chiều 5/3” thuộc mô-đun môn học “Điều khiển điện khí nén” và đã đoạt giải Nhất tại hội giảng. Tuy mới lần đầu tham gia hội giảng nhưng cô Nguyễn Thị Hồng Phương, giáo viên dạy nghề May thời trang, Trường CĐN Thanh niên dân tộc Tây Nguyên cũng đoạt giải Nhất với bài thi “Thiết kế lần chính thân sau áo gió hai lớp”. Để chuẩn bị cho hội thi, cô Phương đã đầu tư thời gian, công sức thiết kế bài giảng, chuẩn bị hồ sơ giáo án, thiết bị giảng dạy, bản vẽ, sản phẩm mẫu… “Hội giảng đã tạo cơ hội cho các giáo viên dạy nghề được cọ xát, có thêm kinh nghiệm, tự tin trong giảng dạy và chuẩn bị bài giảng dự thi ở cấp cao hơn”, cô Phương chia sẻ. 
 
Thạc sĩ Hoàng Minh Cương, Hiệu trưởng Trường CĐN Đắk Lắk cho biết: “Với mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học, hướng đến đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy người học làm trung tâm, thời gian qua, Ban giám hiệu nhà trường rất chú trọng khuyến khích và hỗ trợ cho giáo viên tham gia các hội thi, hội giảng. Nhờ vậy, các thầy, cô giáo của trường đã tham gia hội giảng giáo viên dạy nghề cấp tỉnh năm 2016 ở hầu hết các nghề và đoạt được nhiều giải cao”. 
 
Theo đánh giá của Ban tổ chức, hầu hết giáo viên tham gia hội giảng đã có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ giáo án, học cụ giảng dạy và thể hiện tốt bài thi của mình. Nhiều giáo viên đã khai thác và sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học, áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh, giúp các em dễ dàng tiếp thu bài học. 
 
Ông Phan Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trưởng ban tổ chức hội giảng cho biết: “Những giáo viên đoạt thành tích cao tại hội giảng cấp tỉnh sẽ được chọn tham gia Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc vào năm 2018. Để thể hiện tốt tại “sân chơi” lớn này, tôi mong các thầy cô giáo và các cơ sở dạy nghề dành nhiều sự quan tâm, đầu tư hơn nữa trong công tác chuyên môn, nâng cao ý thức, trách nhiệm, lòng nhiệt tình trong việc tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và tiếp cận những công nghệ mới”.
 
Nguyễn Xuân
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.