Nâng cao tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ GD-ĐT yêu cầu ngành Giáo dục cả nước quyết tâm thực hiện trong năm học 2016-2017 là nâng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ (trẻ dưới 36 tháng tuổi) ra lớp đạt 27%.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 ngành học mầm non (MN) mới đây, ông Thái Văn Tài, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, Đắk Lắk khó hoàn thành chỉ tiêu này vì kết thúc năm học 2015-2016, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp của tỉnh mới đạt 13,1% trong khi bình quân chung của cả nước là 26,2%. Sở dĩ tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp thấp là do mấy năm gần đây tỉnh ưu tiên về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… cho độ tuổi mẫu giáo để hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi, theo đó chỉ một số trường MN đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên mới mở lớp cho trẻ nhà trẻ. Mặt khác, các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh chưa quản lý được các nhóm, lớp trẻ MN tư thục… do đó chưa thống kê chính xác số trẻ MN ra lớp.
Giờ ăn trưa của các bé tại một cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn huyện Ea H'leo. |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thẳng thắn thừa nhận tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại các thành phố, thị xã, nơi đông dân cư, khu công nghiệp, do khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu phòng học và giáo viên nên việc thu nhận trẻ dưới 36 tháng tuổi tại các trường công lập còn nhiều hạn chế. Để đạt được chỉ tiêu nâng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 27%, cùng với việc dành quỹ đất cho giáo dục mầm non (MN), các địa phương cần tích cực tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách đặc thù để phát triển mạng lưới trường, lớp học, nhất là ở khu đông dân cư, khu công nghiệp, khuyến khích phát triển theo hướng xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu tới trường của trẻ. Bộ đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Đắk Lắk trong việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng chăm lo phát triển ngành học MN, nhờ đó ngành học này đã có những bước phát triển tích cực cả về quy mô và chất lượng. Là tỉnh miền núi, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng Đắk Lắk là điểm sáng của cả nước về thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, hệ thống giáo dục MN tư thục trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ở TP. Buôn Ma Thuột và các thị trấn, góp phần giảm bớt tình trạng quá tải trong các cơ sở giáo dục MN công lập. Trong số 294 trường MN trong toàn tỉnh có đến 42 trường ngoài công lập, gần 30% số trẻ của tỉnh học trong các trường, lớp, nhóm trẻ ngoài công lập.
Trao đổi với phóng viên Báo Đắk Lắk bên lề Hội nghị, ông Tài cho biết, để nâng cao tỷ lệ huy động trẻ dưới 36 tháng tuổi ra lớp, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu cho tỉnh củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục MN cũng như các Ban Chỉ đạo chuyên đề đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; đặc biệt là tạo hành lang pháp lý, cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư đầu tư cho bậc học này, chia sẻ gánh nặng cho Nhà nước trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn. Đồng thời tranh thủ các nguồn lực cân đối đầu tư giữa các bậc học.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc