Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh công tác phối hợp đưa nghị quyết quy hoạch phát triển giáo dục đào tạo vào cuộc sống

22:16, 07/10/2016
Ngày 7-10, đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT về việc thực hiện "Quy hoạch phát triển GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025" (Nghị quyết 94).
 
 Bà Phan Thị Như Thủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn. 

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, những năm qua Đắk Lắk đã được thụ hưởng các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án của Bộ GD-ĐT và sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của cấp ủy Đảng, chính quyền nên cơ sở vật chất trường học được từng bước kiên cố hóa, chuẩn hóa. Toàn tỉnh có 16.793 phòng học, tăng 2.616 phòng học so với năm học 2011-2012, trong đó phòng học kiên cố chiếm tỷ lệ 66,52%. Hệ thống trường ngoài công lập phát triển mạnh, nếu năm 2011 có 27 trường thì năm 2016 là 60 trường. Các trường nghề cũng được quan tâm đầu tư về mọi mặt, đáp ứng nhu cầu học nghề của học sinh.

Công tác xã hội hóa đẩy mạnh, trung bình mỗi năm huy động hơn 19 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường. Chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng mũi nhọn tăng. Đến tháng 6-2016, Đắk Lắk hoàn thành chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập trung học cơ sở được duy trì...

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội (HĐND tỉnh) làm việc với Sở GD-ĐT.
Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) làm việc với Sở GD-ĐT.

Bên cạnh kết quả đạt được, ngành Giáo dục tỉnh vẫn còn những khó khăn như: thiếu giáo viên ở một số trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn; biên chế giáo viên dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học chưa đáp ứng nhu cầu; chất lượng giáo dục hệ giáo dục thường xuyên thấp so với hệ THPT. Đối với giáo dục chuyên nghiệp hiện đang gặp khó khăn về công tác tuyển sinh; chưa gắn kết với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia chưa đạt chỉ tiêu đề ra; toàn tỉnh vẫn đang còn 167/2151 thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhà lớp học mầm non độc lập, nhiều trường mầm non còn có nhiều điểm lẻ, 3/184 xã, phường chưa có trường THCS.

Theo bà Phan Thị Như Thủy, trong thời gian tới ngành Giáo dục cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đưa Nghị quyết 94 vào cuộc sống. Qua công tác giám sát tại các huyện Ea H’Leo, Lắk và TP. Buôn Ma Thuột chgo thấy sự phối hợp giữa ngành giáo dục với chính quyền địa phương chưa sâu sát, thậm chí một số trường học chưa nắm rõ các mục tiêu của Nghị quyết 94 do đó lúng túng trong triển khai thực hiện. 
 
Nguyên Hoa
 

Ý kiến bạn đọc