Thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Sau 7 năm thực hiện đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”(sau đây gọi là Đề án 2020), bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Năng lực người học, người dạy hạn chế
Mặc dù chưa có khảo sát về năng lực người học ngoại ngữ toàn vùng Tây Nguyên, tuy nhiên trong số 1.226 sinh viên khóa 2012 của Trường Đại học Tây Nguyên chưa đủ điều kiện tốt nghiệp có đến 79% sinh viên không đạt chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ. Theo quy định của nhà trường, sinh viên khóa 2012 (tức sinh viên tốt nghiệp năm 2016) phải có chứng chỉ tiếng Anh trình độ B1 theo khung tham chiếu châu Âu.
Tiếng Anh là môn thi tự chọn trong số các môn thi tốt nghiệp THPT quốc gia nhưng nhiều học sinh “né” môn thi này. Đơn cử như tỉnh Đắk Lắk, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016 chỉ có 4.302 học sinh chọn môn ngoại ngữ trong tổng số hơn 24.000 thí sinh đăng ký dự thi (đạt tỷ lệ 20%). Đáng nói là ở hệ giáo dục thường xuyên 100% học sinh không đăng ký thi môn Ngoại ngữ qua đó phần nào phản ánh năng lực của người học hiện nay.
Sinh viên chuyên ngữ Trường Đại học Tây Nguyên tự trau dồi khả năng ngoại ngữ. |
Về năng lực người dạy, Sở GD-ĐT Đắk Lắk đánh giá, đội ngũ giáo viên tiếng Anh tuy đủ về số lượng, về trình độ đào tạo nhưng năng lực chưa đáp ứng dạy học theo chương trình đổi mới. Trong đợt khảo sát, đánh giá trình độ giáo viên tiếng Anh năm 2012, toàn tỉnh chỉ có 60/1.400 giáo viên đạt chuẩn. Sau nhiều nỗ lực của Sở GD-ĐT trong việc phối hợp với các đơn vị mở các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên tiếng Anh các bậc học, qua đợt khảo sát, đánh giá mới đây có 645/1.318 giáo viên đạt trình độ. Cụ thể: bậc THPT có 192/419 giáo viên đạt (chiếm tỷ lệ 45,8%), bậc THCS 328/858 giáo viên (38,2%) và bậc tiểu học 145/410 giáo viên (35,36%).
Thay đổi cách dạy, học tiếng Anh
Khu vực Tây Nguyên có số lượng trường học, cơ sở đào tạo và học sinh, sinh viên nhiều, nhưng lại chưa thành lập cơ sở khảo thí ngoại ngữ. Điều này gây không ít khó khăn cho người học, nhất là sau khi liên Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT ban hành các thông tư liên tịch số 21, 22, 23, ngày 16-9-2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên, trong đó có quy định về năng lực ngoại ngữ từ bậc 1 đến bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam, thì nhu cầu công nhận năng lực ngoại ngữ càng tăng cao.
Có một thực tế nữa, việc bồi dưỡng, khảo sát, công nhận trình độ của giảng viên, giáo viên còn nhiều bất cập. Đơn cử như sau 7 năm thực hiện Đề án, khu vực Tây Nguyên chỉ mới tổ chức được một khóa tập huấn giảng viên chuyên ngành cốt cán cho đội ngũ giảng viên đại học, cao đẳng trong khu vực.
Đất nước hội nhập, ngoài kiến thức chuyên môn thì ngoại ngữ là điều kiện không thể thiếu. (Trong ảnh: Học viên Trường Trung cấp Y tế Đắk Lắk). |
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phượng, Phó trưởng Khoa Ngoại ngữ - Đại học Tây Nguyên, để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn Tây Nguyên, Ban quản lý Đề án và Bộ GD-ĐT cần tiếp tục củng cố, xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên chuyên ngữ, chuyên ngành kể cả số lượng, chất lượng; ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, kiểm tra đánh giá, mở rộng và phát triển đa dạng môi trường học tập, loại hình trường, lớp học ngoại ngữ. Đồng thời từng bước thực hiện đánh giá 4 kỹ năng ở các cấp học. “Ở bậc phổ thông, môn tiếng Anh chưa được đánh giá, kiểm tra toàn diện 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, nhưng bậc sau phổ thông thì một số cơ sở giáo dục lại đánh giá 4 kỹ năng. Sự không đồng bộ này gây không ít khó khăn cho cả người dạy và người học”, thạc sĩ Phượng phân tích.
Còn theo ông Đỗ Tường Hiệp, Trưởng Phòng Giáo dục Thường xuyên (Sở GD-ĐT), bản thân học sinh, sinh viên cũng phải có ý thức học, có như vậy mới nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, mới hội nhập với các nước. Nhiều học sinh, sinh viên hiện nay vẫn học đối phó, chưa thấy tiếng Anh cần với mình như thế nào, phần lớn có tâm lý học để thi.
Ngành Giáo dục tỉnh phấn đấu đến năm 2018 tất cả các trường tiểu học trên địa bàn dạy và học tiếng Anh theo chương trình mới; triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh mới ở một số trường THCS và THPT có điều kiện và mở rộng quy mô để đạt khoảng 50% số trường vào năm học 2017-2018 và 100% vào năm học 2019-2020. |
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc