Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020: Cần giải pháp quyết liệt

09:00, 06/11/2016

Tại Hội nghị triển khai xây dựng trường chuẩn Quốc gia (CQG) giai đoạn 2016-2020 do Ban Chỉ đạo xây dựng trường CQG tỉnh tổ chức mới đây đã đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 có hơn 50% số trường học đạt CQG. Trong khi đó, theo lãnh đạo một số địa phương thì chỉ tiêu quá cao, khó có thể đạt được.

“Khó” cả cơ sở vật chất lẫn biên chế

Giai đoạn 2016-2020 tỉnh giao huyện Krông Năng 16 trường đạt CQG. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hoài Anh, Chủ tịch UBND huyện thì chỉ tiêu này vượt sức của địa phương, bởi hầu hết các trường đều không bảo đảm về cơ sở vật chất. Để hoàn chỉnh tiêu chí này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, trong khi nguồn lực của địa phương có hạn. Chưa kể, giai đoạn này huyện còn phải tiếp tục đầu tư cho các trường đã đạt chuẩn trước đó để “trả nợ” một số tiêu chí. Căn cứ nguồn vốn phân bổ của tỉnh và nguồn lực của địa phương, Krông Năng chỉ “dám” đặt chỉ tiêu  phấn đấu có 8 trường học đạt chuẩn, cùng với đó phải nỗ lực để công nhận lại 9 trường đạt chuẩn giai đoạn 2010-2015.

Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (thị xã Buôn Hồ) hào hứng hưởng ứng  ngày hội  đọc sách.
Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (thị xã Buôn Hồ) hào hứng hưởng ứng ngày hội đọc sách.

Tương tự, giai đoạn 2016-2020, huyện Ea H’leo đăng ký xây dựng 15 trường đạt chuẩn, trong khi đó tỉnh lại giao chỉ tiêu 20 trường. Ông Lê Thăng Long, Chủ tịch UBND huyện tính toán: Để xây dựng 20 trường đạt chuẩn cần khoảng 40 tỷ đồng, trong khi đó mỗi năm địa phương chỉ được tỉnh phân bổ 4,2 tỷ đồng (3 tỷ đồng xây dựng trường CGQ và 1,2 tỷ đồng xây dựng trường mầm non). “Rất khó cho địa phương, vì các trường thuận lợi đã công nhận chuẩn hết rồi! Mấy năm gần đây, thu ngân sách khó khăn; tình hình hạn hán, giá cả nông sản không ổn định, huy động sức dân không dễ” - ông Long phân tích.

Mặt khác, theo quy định, trường đạt CQG bắt buộc phải dạy môn Tin học, Ngoại ngữ, có phòng y tế học đường… nhưng định biên các vị trí việc làm này lại không được phân bổ. Đơn cử huyện Ea H’leo, năm học 2016-2017 thiếu 166 giáo viên, dù địa phương đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa được tỉnh giải quyết. Do đó, một số trường tiểu học mặc dù đã được đầu tư phòng máy vi tính nhưng chưa tổ chức dạy được do thiếu giáo viên. Hay huyện Krông Bông chỉ riêng bậc mầm non hiện đang thiếu 89 giáo viên.

Cần quyết tâm chính trị

Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Nguyễn Hoài Anh cho rằng Nghị quyết 172/2015/NQ-HĐND ngày 3-12-2015 phân bổ mỗi năm 3 tỷ đồng cho mỗi huyện để cải tạo, nâng cấp trường học đạt CQG là không phù hợp với tình hình thực tế. Bởi mỗi huyện được giao chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn khác nhau, nguồn lực của các địa phương cũng hoàn toàn khác nhau nên tỉnh cần xem xét để cân đối cho phù hợp.

 
Mục tiêu đến năm 2020 có hơn 50% số trường học đạt chuẩn quốc gia khó hoàn thành nếu không có quyết tâm chính trị cao, cũng như giải pháp quyết liệt để thực hiện của các cấp, ngành và địa phương
 
Bà  H’Yim Kđoh,   Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ kiến nghị: Việc phân bổ ngân sách đầu tư xây dựng trường chuẩn không nên cào bằng cho các huyện mà nên căn cứ vào kế hoạch xây dựng từng năm của từng địa phương (đã được UBND tỉnh đồng ý) để phân bổ vốn. Huyện xây dựng 2 trường chuẩn cũng được phân bổ 3 tỷ đồng mà huyện xây dựng 3 trường chuẩn cũng phân bổ 3 tỷ là không phù hợp. 

Nhờ huy động tốt sức dân, Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (thị xã Buôn Hồ) đã đạt chuẩn, môi trường học tập của học sinh được cải thiện.
Nhờ huy động tốt sức dân, Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (thị xã Buôn Hồ) đã đạt chuẩn, môi trường học tập của học sinh được cải thiện.

Về vấn đề biên chế giáo viên, nhân viên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Đinh Văn Long, Sở Nội vụ nên căn cứ vào kế hoạch xây dựng trường chuẩn hằng năm của từng địa phương để tính toán, phân bổ định biên giáo viên, nhân viên y tế học đường theo lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh  H’Yim Kđoh khẳng định: Mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có hơn 50% số trường học đạt CQG, do đó rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, địa phương và các bậc phụ huynh. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, tỉnh yêu cầu từng địa phương phải có các giải pháp quyết liệt để huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp thực hiện thành công mục tiêu xây dựng trường GQG nhằm mang tới cho học sinh môi trường giáo dục toàn diện, hiện đại. 

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 252 trường đạt chuẩn, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 569 trường (đạt tỷ lệ 54,29%). Cụ thể, bậc mầm non 114 trường (35,62%), 284 trường tiểu học  (65,59%), 150 trường THCS (63,55%) và 21 trường THPT (35,59%).

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc