Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui mới của học sinh vùng sâu huyện Krông Bông

10:54, 09/12/2016

Thời gian qua, khu bán trú Trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) đã được nâng cấp, xây dựng thêm một số hạng mục. Sau khi hoàn thành, khu bán trú giúp hàng chục học sinh, chủ yếu là người Mông ở các thôn vùng sâu của xã Cư Đrăm hiện đang học tại Trường THPT Trần Hưng Đạo và Trường THCS Cư Đrăm có chỗ ở và sinh hoạt an toàn, không còn tình trạng phải ở trong những căn lều tạm bợ.

Khu bán trú này vốn trước đây là phòng học, phòng làm việc của Trường THCS Cư Đrăm. Sau khi Trường THCS Cư Đrăm chuyển đến địa điểm mới thì bàn giao lại cơ sở này cho Trường THPT Trần Hưng Đạo quản lý. Thấy nhiều học sinh người Mông của xã Cư Đrăm và xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) phải trọ học ở rải rác trong những căn lều tạm bợ, thiếu an toàn nên địa phương đã đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí cải tạo, nâng cấp làm nơi bán trú cho học sinh.

Có chỗ ở an toàn, nhiều học sinh ở xa không còn phải trọ học chen chúc trong những căn lều tạm bợ hoặc hằng ngày đi về trên những chuyến xe buýt chật chội, phụ huynh không phải thường xuyên bỏ thời gian để đưa đón các em.

Đầu năm học 2016-2017, khu bán trú đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng gồm 18 phòng ở, khu nhà bếp được nâng cấp, nhà vệ sinh, cổng, tường rào... được xây mới với nguồn vốn đầu tư 3 tỷ đồng. Mỗi phòng ở được trang bị quạt, bóng điện và 10 giường cá nhân. Hiện nay đã có 30 học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo và 45 em học sinh Trường THCS Cư Đrăm đến ở. Em Giàng Văn Chơ, học sinh lớp 10A2 Trường THPT Trần Hưng Đạo phấn khởi: “Nhà em ở thôn Cư Dhắt, cách trường gần 30 km. Trước đây em phải thuê căn nhà tạm gần trường, nhà ở chật chội, ban đêm thiếu ánh sáng để học bài, giường nằm là những tấm phên ghép lại. Giờ được vào ở khu bán trú, chúng em vui lắm. Phòng ở khang trang, sạch sẽ. Trong phòng có quạt, có bóng điện nên ban đêm học bài rất tốt”. Còn ông Thào Văn Hòa, phụ huynh em Thào Thị Lợi (học sinh lớp 7C, Trường THCS Cư Đrăm) vui vẻ cho hay: “Nhà mình ở thôn Yang Hăn. Trước đây con gái mình phải dậy rất sớm đi xe buýt. Nó hay bị say xe nên nhiều hôm mình phải bỏ công việc để đưa đón. Giờ nó được ở khu bán trú, mình thấy vô cùng yên tâm”.

Các học sinh được vào ở khu bán trú khang trang, sạch đẹp.
Các học sinh được vào ở khu bán trú khang trang, sạch đẹp.

Ở lại khu bán trú, mỗi học sinh chỉ phải đóng khoảng 10.000 đồng tiền điện/tháng, nước sạch tự chảy được xã Cư Đrăm cho các em dùng miễn phí. Do chưa có cấp dưỡng nên việc ăn uống các em vẫn phải tự nấu, cuối tuần các em về hoặc phụ huynh mang gạo, thức ăn đến cho con. Thầy Dương Xuân Vỹ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết: “Cấp trên đã đồng ý hỗ trợ 900 triệu đồng để xây dựng bếp ăn tập thể khu bán trú, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 200 học sinh. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ tổ chức nấu ăn tập trung cho các em”.

Hiện nay, khu bán trú Trường THPT Trần Hưng Đạo vẫn đang tiếp tục đón những học sinh ở xa có nhu cầu ở bán trú của 2 trường trên địa bàn. Tuy chưa có biên chế quản lý khu bán trú nhưng lãnh đạo Trường THPT Trần Hưng Đạo và Trường THCS Cư Đrăm đã cắt cử 1 giáo viên và 1 nhân viên y tế học đường thường xuyên đến hướng dẫn, kiểm tra việc ăn ở, sinh hoạt, vui chơi của các em, tạo cho các em có một nơi ở thoải mái, thuận lợi và an toàn, giúp các em học tập tốt hơn.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.