Dự án BMGF-VN: Triển khai thành công tại Đắk Lắk
16:08, 17/02/2017
Đến các điểm bưu điện văn hóa xã và Thư viện công cộng tại Đắk Lắk sẽ thấy sự hào hứng của người dân nơi đây khi được tiếp cận với máy tính và đặc biệt là kho tàng kiến thức khổng lồ trên Internet. Điều này có được là nhờ hiệu quả thiết thực từ Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và tiếp cận Internet công cộng tại Việt Nam", gọi tắt là Dự án BMGF-VN
Dự án được Bộ Thông tin - Truyền thông chủ trì và phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND 40 tỉnh, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) và các đơn vị liên quan triển khai tại 400 điểm Thư viện công cộng (cấp tỉnh, huyện), 1.000 điểm Bưu điện Văn hóa xã và 500 thư viện xã trên địa bàn 40 tỉnh khó khăn tại Việt Nam. Thời gian thực hiện là 5 năm, từ 2011 – 2016. Tổng kinh phí của dự án là trên 50 triệu USD, trong đó tài trợ không hoàn lại của BMGF-VN xấp xỉ 30 triệu USD, đóng góp bằng phần mềm của Microsoft trên 3,6 triệu USD và phần còn lại là vốn đối ứng của phía Việt Nam. Dự án mở rộng đã được thực hiện tại gần 2.000 điểm truy nhập Internet công cộng là các điểm thư viện và bưu điện văn hóa xã ở 40 tỉnh trong cả nước. Đắk Lắk là 1 trong 40 tỉnh tiếp nhận dự án. Mục tiêu lâu dài của Dự án mở rộng là góp phần nâng cao năng lực phục vụ, cách thức cung cấp thông tin máy tính và Internet cho các thư viện công cộng và điểm bưu điện văn hóa xã với tầm nhìn mới, tập trung hỗ trợ người nghèo, những người sống ở vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội được tiếp cận bình đẳng, hiệu quả, bền vững với công nghệ thông tin, được hưởng những lợi ích về kinh tế, xã hội mà việc tiếp cận với công nghệ thông tin mang lại, từ đó cải thiện được cuộc sống của cá nhân, đồng thời đóng góp được cho gia đình họ, cho cộng đồng và xã hội.
Các em học sinh truy cập Internet tại một điểm triển khai Dự án BMGF- VN |
Tại Đắk Lắk, triển khai dự án có tổng số 55 điểm gồm 28 điểm thư viện, 27 điểm bưu điện văn hóa xã, thực hiện triển khai từ tháng 4-2013 cho đến nay. Tại Thư viện tỉnh được trang bị 20 bộ máy tính để truy cập, và 20 bộ máy tính dùng cho đào tạo, thư viện huyện 10 bộ, thư viện xã và văn hóa xã 5 bộ, cùng các thiết bị phụ trợ tai nghe, máy in, camera giám sát. Dự án đã mang lại những kết quả thiết thực, giúp người dân khu vực nông thôn và vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận và khai thác nguồn tài nguyên hữu ích cho đời sống thông qua công nghệ thông tin, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho nhân viên.
Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả của Dự án đối với đời sống người dân nông thôn một cách thiết thực sau khi Dự án kết thúc vào năm 2017, địa phương cũng cần đảm bảo nguồn kinh phí duy trì, sửa chữa hệ thống trang thiết bị và hỗ trợ cho nhân viên; Xây dựng mô hình một số điểm thành Trung tâm Thông tin và Truyền thông cộng đồng trên địa bàn tỉnh cũng như vận động các đối tác tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động của các điểm truy nhập Internet công cộng.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc