Ấn tượng từ Hội thi cô giáo tài năng, duyên dáng
Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” cấp tỉnh năm 2017 diễn ra vào trung tuần tháng 2 vừa qua để lại nhiều ấn tượng bởi sự chuẩn bị công phu, chất lượng và sự duyên dáng, sáng tạo, tài năng của các thí sinh.
43 cô giáo tham dự vòng chung kết là những bông hoa đẹp đại diện cho hàng chục nghìn nữ giáo viên toàn ngành Giáo dục tỉnh. Đến với Hội thi, các thí sinh không chỉ thể hiện nét duyên dáng, thanh lịch mà còn cho thấy sự khéo léo, lòng yêu nghề qua việc xử lý những tình huống sư phạm. Không chỉ vậy, mỗi cô giáo còn là một “cây sáng kiến” trong chuyên môn, một tài năng trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật và rất tinh tế trong cảm nhận về cái đẹp qua phần thi trang phục áo dài truyền thống, trang phục tự chọn.
Đặc biệt, ở phần thi năng khiếu, các cô giáo đã mang đến cho Ban giám khảo, khán giả nhiều cung bậc cảm xúc qua các tiết mục múa, hát, kịch, hát chầu văn… mà ngay cả Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, Trưởng Ban Giám khảo cũng đã phải thốt lên: “Ở phần thi duyên dáng (trang phục và năng khiếu) đã “làm khó” những người “cầm cân nảy mực” bởi thí sinh trình diễn rất nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau, nhiều thể loại khác nhau, đòi hỏi giám khảo phải có sự am hiểu sâu rộng và phải thường xuyên hội ý mới có thể cho điểm chính xác”.
Phần thi năng khiếu của cô giáo Phan Thị Phượng, Trường Mầm non Sơn Ca (huyện Ea Súp). |
Thí sinh Phan Thị Phượng, Trường Mầm non Sơn Ca (huyện Ea Súp) - đồng đoạt giải Nhất Hội thi chia sẻ: “Đến với nghệ thuật hát chầu văn chưa lâu, nhưng loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian độc đáo này đã đem về cho tôi khá nhiều phần thưởng. Tôi mong muốn hát chầu văn sẽ được đưa vào trong các trường học để góp phần lưu giữ giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật này. Tham dự Hội thi tôi biểu diễn tiết mục hát văn “cô đôi Thượng Ngàn””. Quả thật nghe hát chầu văn không dễ cảm nhận, nhưng với giọng hát đậm chất dân ca, đặc biệt là sắc thái biểu cảm, phần dự thi của cô giáo mầm non đến từ huyện biên giới Ea Súp đã thuyết phục cả Ban giám khảo và khán giả.
Còn cô giáo Ngọ Thị Hiền, Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) cũng đoạt giải Nhất Hội thi và giải báo cáo chuyên đề xuất sắc nhất thì lại quyết định thể hiện phần thi năng khiếu là kể câu chuyện lịch sử “10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc”. Cô Huyền bày tỏ: “Là giáo viên dạy môn Lịch sử, tôi băn khoăn khi thấy nhiều học sinh không yêu thích môn học này. Tôi dành khá nhiều thời gian tìm hiểu nguyên nhân và đi đến quyết định, phải thay đổi từ chính người dạy. Thay vì cứ cố ép học sinh ghi nhớ dữ liệu ngày, tháng, năm của các sự kiện lịch sử, tôi biến những sự kiện ấy thành những câu chuyện kể. Vì vậy tiết học Sử trở nên nhẹ nhàng, học sinh không còn “sợ” môn Lịch sử nữa mà cảm thấy yêu lịch sử hơn”.
Ban tổ chức trao giải cho các thí sinh xuất sắc |
Nếu như phần thi duyên dáng “gây sức ép” không nhỏ cho Ban Giám khảo, thì phần thi ứng xử để lại nhiều ấn tượng và nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của những người có mặt tại Hội thi. Các câu hỏi không chỉ thử thách cách ứng xử, đạo đức nghề nghiệp mà còn kiểm tra kiến thức, kỹ năng của người giáo viên như: hiểu biết về cuộc vận động “Mỗi nhà giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”; ứng xử khi phụ huynh đề nghị giáo viên dạy trước chương trình lớp 1 cho con; xử lý tình huống khi học sinh không hứng thú học tập; phụ huynh thắc mắc về việc giáo viên tiểu học không chấm điểm bài làm của học sinh theo quy định mới… Nhiều cô giáo đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và có cách xử lý tình huống khoa học, hợp tình, hợp lý.
Với sự thông minh, duyên dáng thể hiện qua ánh mắt nụ cười, cách đi đứng, trả lời câu hỏi cùng những tài năng thể hiện qua điệu múa, lời ca, diễn kịch, các cô giáo đã mang đến Hội thi những nét đặc sắc, độc đáo riêng. “Ngành Giáo dục nên tổ chức hội thi này định kỳ và có bổ sung thêm một số tiêu chí để không chỉ thí sinh mà các nhà trường có sự chuẩn bị chu đáo hơn, góp phần xây dựng hình ảnh nữ giáo viên ngày càng đẹp hơn trong mắt học trò, trong mắt phụ huynh và xã hội”, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân kiến nghị.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc