Multimedia Đọc Báo in

Điểm Trường THCS Cư Pui (huyện Krông Bông): Đầu tư tiền tỷ rồi… "đắp chiếu"

11:55, 14/04/2017

Điểm Trường THCS Cư Pui ở thôn Ea Lang, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) với chi phí đầu tư xây dựng gần 4 tỷ đồng đã bàn giao sử dụng từ tháng 10-2016. Tuy nhiên đến nay, công trình này vẫn nằm… “đắp chiếu” do thiếu cơ sở vật chất và biên chế giáo viên, gây lãng phí, bất cập.

Nhiều bất cập

Công trình Phân hiệu 2 Trường THCS Cư Pui tại thôn Ea Lang, xã Cư Pui là một trong số những hạng mục thuộc Dự án Quy hoạch sắp xếp, ổn định dân di cư tự do trên địa bàn huyện Krông Bông, được khởi công xây dựng từ ngày 3-10-2015, hoàn thành ngày 3-10-2016, với quy mô 8 phòng học. Trường được xây dựng tại một khu đất triền đồi, rộng chừng 3.000 m2, nhưng lại không có cổng, tường rào, nhà vệ sinh, nhà hiệu bộ, nhà công vụ cho giáo viên, giếng nước, nhà để xe… Khi UBND huyện Krông Bông bàn giao (ngày 5-10-2016) và yêu cầu Trường THCS Cư Pui (xã Cư Pui) tiếp quản, đưa vào sử dụng thì lại không bố trí biên chế giáo viên, dẫn đến nhiều tháng nay điểm trường này vẫn không thể hoạt động.

Trường THCS Cư Pui hiện có 11 phòng học chia thành 22 lớp với 883 học sinh và được Phòng Nội vụ huyện Krông Bông bố trí đủ biên chế 52 cán bộ, giáo viên. Thầy Nguyễn Hữu Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS Cư Pui than thở: Do cả xã chỉ có duy nhất Trường THCS, nằm ngay trung tâm xã, trong khi địa bàn rộng lớn, dân cư ở lại không tập trung, nhiều thôn, buôn cách xa trường từ 10-20 km, giao thông đi lại cách trở, các em học sinh phải ở nội trú trong trường và trọ tại một số nhà dân gần trường để học, rất vất vả. Nhà trường đang được tỉnh đầu tư thêm 6 phòng chức năng, 10 phòng nội trú cho học sinh, 5 nhà công vụ, 1 bếp ăn để đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn.

Các phòng học đã được đầu tư bàn ghế, bảng viết và hệ thống đèn điện.
Các phòng học đã được đầu tư bàn ghế, bảng viết và hệ thống đèn điện.

Đầu tháng 10-2016, UBND huyện bàn giao thêm điểm trường mới tại thôn Ea Lang, cách trường chính khoảng 8 km và yêu cầu tiếp quản, đưa vào sử dụng, trong khi chưa được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất. Nếu tách phân hiệu 2 thì phải mở thêm 34 lớp cho trên 560 học sinh tại 6 thôn trong khu vực gần điểm trường này học, theo đó phải tăng thêm ít nhất 19 biên chế giáo viên. Nhà trường đã có văn bản kiến nghị đề xuất bố trí đủ biên chế giáo viên, xây dựng thêm các hạng mục công trình phục vụ việc dạy và học để thực hiện việc tách trường. Song, đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng hồi âm.

Vậy là đã nhiều tháng nay, để bảo vệ tài sản, cũng như an ninh cho điểm trường mới, nhà trường đã phải thuê 1 bảo vệ trông coi trường với chi phí mỗi tháng 1,5 triệu đồng, trích từ nguồn đóng góp của cha mẹ học sinh. Đồng thời, ban giám hiệu cũng phải cắt cử, phân công cán bộ, giáo viên thường xuyên lui tới để trông nom, quản lý, rất vất vả và ảnh hưởng đến công tác dạy và học của trường.

Vẫn chờ vốn

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui (huyện Krông Bông), việc xây dựng điểm trường THCS mới ở thôn Ea Lang hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh tại 6 thôn trong vùng là Ea Uôl, Ea Rớt, Ea Bar, Ea Lang, Cư Rang, Cư Tê. Đây là địa bàn dân cư cách xa trung tâm xã từ 7-20 km, giao thông đi lại khó khăn nên mỗi khi học sinh đến điểm trường chính học rất vất vả. Dân số tại các thôn này hiện có 1.220 hộ dân với khoảng 7.900 nhân khẩu, hầu hết đều là người dân tộc Mông và Tày di cư tự do ngoài kế hoạch vào địa bàn lập nghiệp từ năm 1996 đến nay. Địa phương mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện cơ sở vật chất và nhân sự để điểm trường đi vào hoạt động, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của Nhà nước cũng như đáp ứng nhu cầu cấp thiết của học sinh trong vùng.

Điểm trường THCS Cư Pui nhiều tháng nay không đưa vào sử dụng gây lãng phí, bất cập.
Điểm trường THCS Cư Pui nhiều tháng nay không đưa vào sử dụng gây lãng phí, bất cập.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Văn Đức Đông, Giám đốc Ban Quản lý các dự án xây dựng huyện Krông Bông cho biết, trong quy hoạch, các hạng mục xây dựng của Dự án Quy hoạch sắp xếp, ổn định dân di cư tự do trên địa bàn huyện Krông Bông chỉ là xây dựng điểm trường với 8 phòng học. Khi bàn giao thì đơn vị chủ đầu tư (UBND huyện Krông Bông) cũng phát hiện nhiều bất cập từ công trình này nên đã có văn bản gửi UBND tỉnh xin điều chỉnh, chuyển đổi một số hạng mục khác của Dự án để tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng trường học cho điểm trường sớm đi vào hoạt động. Tuy nhiên, huyện vẫn đang chờ sự phê duyệt của tỉnh.

Về phần thiếu biên chế để tách trường, ông Lâm Thanh Tùng, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Krông Bông cho hay: Phòng Nội vụ đã đề xuất lên Sở Nội vụ xin chủ trương bố trí biên chế cho Trường THCS Cư Pui để tách thêm phân hiệu, song, theo văn bản trả lời của Sở Nội vụ thì việc trường THCS tách thêm phân hiệu mới là không đúng quy định của pháp luật. Việc xây dựng điểm trường mới trên địa bàn xã Cư Pui là cần thiết, nên chỉ được phép thành lập trường mới. Tuy nhiên, hiện nay Phòng Nội vụ cũng đang chờ hoàn thiện cơ sở vật chất cho điểm trường này, khi đủ điều kiện cho việc dạy và học thì Phòng sẽ làm việc với trường, UBND xã hướng dẫn làm thủ tục đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét thành lập trường THCS mới, sau đó mới bố trí biên chế phù hợp.      

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.