Buồn vui chuyện sinh viên ra trường
Sau 4 hoặc 5 năm trời ngồi trên ghế giảng đường, mỗi sinh viên vui mừng cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay nhưng đó cũng là lúc họ phải tự quyết định con đường đi tiếp của mình, đối diện với thực tế: có việc làm hay thất nghiệp?
Ra trường và có được việc làm phù hợp là mong muốn của hầu hết sinh viên. Không kể những cử nhân mới ra trường may mắn chắc chỗ do “bàn tay quyền lực” của phụ huynh thì nhiều sinh viên bằng sự cố gắng của mình trong suốt quá trình học đã tìm kiếm được cơ hội “vàng” cho bản thân. Bạn Trần Phương Thảo (chuyên ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học (ĐH) Tây Nguyên) tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, lại thêm thành tích nghiên cứu khoa học, làm thêm, dạy thêm từ năm nhất nên dễ dàng được nhận vào dạy ở một trường tư nhân nổi tiếng trên TP. Buôn Ma Thuột. Thảo chia sẻ: “Ngay khi trường vừa đăng tuyển, em liền làm hồ sơ nộp ngay, sau khi hồ sơ được duyệt và trải qua phần thi về chuyên môn cuối cùng em cũng được nhận”. Không dễ dàng như Thảo, Trần Trung Hiếu tốt nghiệp loại khá ĐH Đà Lạt, chuyên ngành Công nghệ sinh học đã phải vất vả đi làm thuê ở công ty tư nhân hơn một năm để tích lũy kinh nghiệm trước khi được nhận vào làm tại một trạm bảo vệ thực vật gần nhà.
Được nhận tấm bằng tốt nghiệp là niềm vui của sinh viên. |
Bên cạnh những người may mắn, cũng có không ít sinh viên rơi vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười”. Như trường hợp của Trần Thị Thu Trang (chuyên ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Tây Nguyên), vừa ra trường đã được chồng “rước về dinh” liền tay, bao nhiêu ước mơ về công việc bị dập tắt bởi chưa kịp xin việc thì đã mang bầu nên đành nghỉ ở nhà để sinh con. Sau đó, Trang cũng không còn ý định đi làm bởi không tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành mình học, hơn nữa gia đình chồng muốn Trang ở nhà để chăm con và lo cơm nước. Còn đối với Nguyễn Thị Thu Thủy (chuyên ngành Quản trị văn phòng, Trường CĐSP Đắk Lắk) cũng chẳng may mắn hơn được là bao. Dù đã ra trường 3 năm nay và tốt nghiệp loại giỏi, nhưng sau năm lần bảy lượt chầu chực nộp hồ sơ, thi tuyển ở nhiều nơi, cuối cùng cũng chỉ nhận được những cuộc điện thoại từ chối hay những cái lắc đầu.
Hiện nay, nhiều sinh viên mới ra trường chấp nhận chọn cho mình những công việc không đúng chuyên ngành như làm công nhân, vệ sỹ, bán hàng online, làm thuê ở các nhà hàng, quán cà phê, quán nhậu, sell… Bùi Văn Đạt (chuyên ngành Giáo dục thể chất, ĐH Tây Nguyên) tâm sự: “Em tốt nghiệp loại trung bình nên khi nộp hồ sơ xin việc ở đâu cũng bị từ chối. Sau một thời gian tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm, những website, các thông báo tuyển dụng… em đã được nhận vào làm sell cho một công ty tư nhân ở TP. Buôn Ma Thuột, dù không đúng chuyên ngành nhưng giờ có việc để làm còn đỡ hơn là ở nhà”.
Có thể thấy, trước tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay, hầu hết sinh viên mới ra trường phải đối diện với thực trạng thất nghiệp một vài năm cũng không phải là chuyện lạ. Hơn nữa, việc các nhà tuyển dụng “kén” sinh viên mới ra trường là do phần lớn trong số họ thường chưa có kinh nghiệm thực tế từ công việc. Bởi thế, sinh viên khi còn trên ghế giảng đường cần xác định rõ mục tiêu ngay từ đầu, phải biết trau dồi năng lực của bản thân qua hoạt động thực tiễn để chủ động nắm bắt và tận dụng cơ hội.
Nguyễn Huyền
Ý kiến bạn đọc