Multimedia Đọc Báo in

Các xã vùng sâu huyện Krông Bông: Nan giải tình trạng học sinh bỏ học

08:39, 21/05/2017

Trong những năm qua, dù đã áp dụng nhiều giải pháp nhưng tình trạng học sinh bỏ học vẫn tiếp diễn tại những xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Yang Reh, Dang Kang, Hòa Phong, Cư Pui, Yang Mao… của huyện Krông Bông.

Từ đầu năm học 2016-2017, Trường THCS Yang Mao (xã Yang Mao) đã có 16 học sinh bỏ học, chủ yếu là học sinh người dân tộc M’nông và Êđê. Hầu hết những em bỏ học đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, lực học yếu, lớn tuổi. Việc vận động các em ra lớp gặp rất nhiều khó khăn. Theo thầy Y Sang Niê, Hiệu trưởng Trường THCS Yang Mao, trong những năm qua, nhà trường đã triển khai rất nhiều giải pháp như: dạy phụ đạo cho những em học yếu; tổ chức các hoạt động ngoại khóa; tặng quà, động viên, không thu các khoản thu đối với những em có điều kiện khó khăn… song tình trạng học sinh bỏ học vẫn không giảm. Khi có học sinh nghỉ học, Ban Giám hiệu nhà trường, công đoàn, giáo viên chủ nhiệm luôn đến tận nhà để động viên các em đi học lại nhưng số lượng các em trở lại trường rất ít.

Đa số các gia đình có con bỏ học đi lao động sớm đều thuộc diện hộ nghèo, đông con, thiếu đất sản xuất, nhà cửa tạm bợ. 

Tình trạng này cũng xảy ra tại Trường THCS Cư Pui (xã Cư Pui). Từ đầu năm học 2016-2017 đến nay, tỷ lệ học sinh bỏ học chiếm gần 5%. Học sinh bỏ học đa số là người dân tộc  Êđê, M’nông, Mông và có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đi học xa, lực học yếu... Thầy Nguyễn Hữu Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS Cư Pui băn khoăn: Học sinh vẫn bỏ học dù trong những năm qua, nhà trường đã nỗ lực phối hợp với các tổ chức đoàn thể, ban tự quản các thôn, buôn vận động các em đi học; đồng thời, triển khai nhiều chính sách như: Học sinh thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ tiền mua sách vở, những em ở xa trường từ 7 km trở lên được hỗ trợ gạo, chỗ ở nội trú, miễn các khoản đóng góp...

Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui) đến vận động gia đình có con bỏ học đưa các cháu  trở lại trường.
Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui) đến vận động gia đình có con bỏ học đưa các cháu trở lại trường.

Tại các Trường Tiểu học Sơn Phong (xã Hòa Phong), Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui) lại xảy ra có tình trạng hàng chục học sinh bỏ học đi lao động tại TP. Hồ Chí Minh. Điều đáng ngại là những học sinh này mới chỉ từ 12 - 16 tuổi. Từ tháng 2-2017 đến nay, tại thôn Ea Uôl (xã Cư Pui) đã có 16 em đi lao động tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó có 6 em đang là học sinh lớp 4, lớp 5. Khi biết các em bỏ học, các trường học đã phối hợp với ban tự quản, đoàn thể các thôn, buôn nhiều lần đến từng nhà vận động gia đình đưa các em quay trở về để tiếp tục học tập nhưng không có kết quả.

Một lý do nữa mà nhiều gia đình thường viện ra khi không muốn động viên con em mình đi học là vấn đề việc làm sau khi ra trường. Hiện nay trên địa bàn các xã vùng sâu của huyện Krông Bông có đến hàng trăm sinh viên ra trường chưa xin được việc làm. Ông Y Nguyên Byă, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Mao cho biết: “Xã Yang Mao hiện có hơn 30 sinh viên ra trường chưa xin được việc làm. Vì vậy, khi cơ quan chức năng đến những gia đình có học sinh bỏ học vận động các em đi học lại, nhiều gia đình cho rằng có cho con đi học sau này cũng khó xin được việc làm nên quyết định cho con nghỉ học sớm để đi làm phụ giúp gia đình”.

Có thể nói, tình trạng học sinh bỏ học tại các xã vùng sâu huyện Krông Bông là vấn đề vô cùng nan giải. Thiết nghĩ, để giải quyết tình trạng này cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; trong đó, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tổ chức các hoạt động thu hút học sinh đến trường, cần có những giải pháp thiết thực nhằm giải quyết khó khăn về kinh tế cho người dân.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.