Điểm số: Cần nhưng chưa đủ
Năm học đã kết thúc với kết quả học tập cụ thể của học sinh thể hiện qua những bảng điểm, phiếu đánh giá xếp hạng chi tiết. Có thể nói, đó cũng là “thước đo” nhiệt độ tâm trạng của phụ huynh trong những ngày này.
Nói chung, phụ huynh có tâm trạng rất phấn khởi xen lẫn tự hào khi con có kết quả học tập, rèn luyện tốt, được xếp thứ hạng cao và ngược lại. Thái độ ứng xử với trẻ cũng theo đó mà thay đổi, mỗi phụ huynh có cách ứng xử không giống nhau, nhưng hầu như theo một “mẫu số chung” là học giỏi được khen thưởng, học kém bị mắng mỏ, chê trách. Cái nhìn phiến diện về việc học hành của trẻ, dẫn đến ứng xử đôi khi cực đoan, thậm chí là phản giáo dục, nếu như cứ đánh giá học sinh qua điểm số, quy kết rằng điểm thấp là học dốt, là kém cỏi, hay chỉ có học sinh hư điểm mới thấp, đáng bị trừng phạt…
Ảnh minh họa |
Khi con đến trường, ai cũng muốn con mình chăm ngoan, học giỏi, nhưng không vì thế mà bắt buộc các cháu phải luôn có bảng điểm rất đẹp, toàn điểm khá, giỏi ở tất cả các môn. Điểm số là rất cần, là thước đo đánh giá tương đối rõ ràng về thực lực và khả năng học sinh trong quá trình học, nên những bảng điểm đẹp mà học sinh đạt được rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo các nhà sư phạm, điểm số không đại diện cho tương lai của trẻ, mà chỉ là kết quả kiểm tra việc ôn luyện kiến thức, nên điểm số giỏi mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ.
Khoa học đã chứng minh tiềm năng trí tuệ của con người là kết quả hoạt động của hai bán cầu não, mỗi bán cầu có ưu thế, chức năng khác nhau, nên mỗi cá nhân đều có những đặc điểm riêng biệt tùy thiên hướng phát triển bán cầu não trái hay phải. Vì thế mà một trong những mục tiêu cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới nhất là nhằm giúp học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức và sáng tạo.
Như vậy, thành quả học tập rèn luyện của học sinh đâu chỉ là điểm số, mà là cả một quá trình trải nghiệm, tích lũy kiến thức để có thể ứng dụng phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh, sở trường, sở thích… của từng cá nhân. Hiện nay một số trường học đang có những bước thử nghiệm theo hướng giáo dục mở, không quá coi trọng điểm số, chỉ tiêu học sinh khá giỏi mà chú trọng khuyến khích học sinh phát hiện, phát huy tối đa năng lực của chính mình bằng cách tạo điều kiện cho các em được học môn mình yêu thích, được tham gia các hoạt động trải nghiệm ngoại khóa, rèn luyện thể chất, kỹ năng sống…Tiếp cận giáo dục theo hướng này sẽ giải tỏa cho phụ huynh mối bận tâm về bảng điểm, về thứ hạng của học sinh.
Hoa Hồng
Ý kiến bạn đọc