Định hướng vị trí việc làm ngay trên ghế giảng đường
Cả hội trường tham dự chương trình “Hành trang tốt nghiệp năm 2017” do Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột tổ chức (14 - 4) cho học sinh đang học tập tại trường “nóng” từ phần định hướng nghề nghiệp và vị trí việc làm sau khi ra trường; thông tin về nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là giải đáp những băn khoăn, trăn trở của học sinh...
Mở đầu chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tĩnh (Văn phòng Công chứng Tây Nguyên) chia sẻ: Nhiều học sinh, sinh viên nghĩ học Luật ra chỉ làm luật sư là không đúng. Cơ hội việc làm của học sinh, sinh viên ngành Luật rất lớn, không chỉ làm việc ở Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, mà có thể làm việc trong các doanh nghiệp, làm tư vấn luật, hoặc nhà báo… Mấu chốt là học sinh, sinh viên phải có đam mê và xác định cho mình vị trí việc làm phù hợp với năng lực, sở trường. TS Tĩnh trải lòng: “Ngày xưa, tôi chỉ thích đọc tiểu thuyết. Bất cứ quyển sách nào có ghi chữ ST (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) không bao giờ tôi đụng đến. Nhưng khi quyết định theo học ngành Luật, tôi bắt đầu yêu thích, say mê nên không còn cảm thấy “khô, khó, khổ” nữa”.
Học sinh Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột nêu băn khoăn về vị trí việc làm. |
Thạc sĩ Nguyễn Hùng Vừa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột
|
Cùng suy nghĩ trên, ông Chu Văn Việt, Phó trưởng Phòng Nội vụ (TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng, Luật là một ngành cơ bản, ở bất kỳ cơ quan nào, ngành nghề nào cũng cần người am hiểu về luật. Theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP, công chức cấp xã có 7 chức danh thì có 2 chức danh cần đến ngành Luật là: Tư pháp - Hộ tịch và Văn phòng - Thống kê. Việt Nam đang hội nhập nhanh vào nền kinh tế toàn cầu, cơ hội việc làm đối với học sinh, sinh viên ngành Luật khá rộng mở.
Còn bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Trưởng Phòng Thông tin thị trường lao động (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh) cho hay, theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, hơn 60% học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp trong vòng 6 tháng đầu. Do đó, nếu chưa xin được việc làm, các em đừng vội nản chí, bình tĩnh suy xét, cân nhắc vị trí việc làm phù hợp rồi tiếp tục tìm kiếm cho mình cơ hội. Làm việc nhiều năm ở lĩnh vực tư vấn, giới thiệu việc làm, bà Thắm cho rằng, nhu cầu nhân lực ngành luật rất lớn, song để “lọt vào tầm ngắm” của nhà tuyển dụng, ngoài bằng cấp thì kỹ năng “mềm” (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm…) rất quan trọng.
Theo đại diện các đơn vị giới thiệu việc làm, các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng tham dự chương trình “Hành trang tốt nghiệp năm 2017”, để tìm được một việc làm phải bắt đầu từ bản thân người lao động. Trước tiên phải xác định được công việc yêu thích và phù hợp với mình (song không nên quá kén chọn); chủ động tìm kiếm và tự tạo cho mình cơ hội; có tinh thần cầu thị...
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc