Khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống trong học sinh
Trong những năm qua, song song với công tác dạy và học, Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) huyện M’Đrắk đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Cô Đỗ Thị Loan, Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện M’Đrắk cho biết, năm học 2014-2015 nhà trường đã phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin, Huyện Đoàn mở một khóa dạy múa xoang và đánh cồng chiêng cho học sinh trong trường. Kết thúc khoá học đã tuyển chọn được 32 em tham gia đội cồng chiêng và đội múa xoang của trường và của huyện. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu nhà trường giao cho Đoàn Thanh niên triển khai và duy trì sinh hoạt văn hoá, văn nghệ trong học sinh, qua đó phát hiện và bồi dưỡng những em có năng khiếu làm nòng cốt cho phong trào văn nghệ của trường. Ngoài những buổi ngoại khóa về tìm hiểu lịch sử dân tộc, trong các sự kiện lớn, nhà trường còn tổ chức cho học sinh thi đấu các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc như: trò chơi bắt cá, ném cà đắng vào gùi, trò chơi H’Zen lên rẫy...; tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế cho các em tại các khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh...
Đội cồng chiêng Trường PTDTNT huyện M’Đrắk đang hăng say luyện tập. |
Có dịp đến Trường PTDTNT M'Đrắk, tham dự một buổi tập văn nghệ của học sinh mới thấy các em say mê với văn hóa truyền thống như thế nào. Các cô cậu học sinh chăm chú lắng nghe các nghệ nhân Ama Phin, Ama An giới thiệu về ý nghĩa của điệu múa xoang, văn hoá cồng chiêng của người Êđê rồi háo hức, say sưa luyện tập từng động tác mà các nghệ nhân truyền dạy. Em H'Nary Hwing, học sinh lớp 8, là thành viên đội múa xoang của trường bộc bạch: “Là người Êđê nhưng trước kia em không biết nhiều về ý nghĩa phong tục, tập quán, nghi lễ truyền thống và các điệu múa xoang của dân tộc mình. Nhờ tham gia sinh hoạt văn nghệ tại trường, qua truyền đạt của các nghệ nhân, em hiểu rõ hơn về ý nghĩa của các nghi lễ, phong tục truyền thống, được trực tiếp trải nghiệm em thấy yêu hơn các điệu múa, lời hát, trò chơi dân gian của ông bà mình”. Còn em Trương Minh Thành, học sinh lớp 8 thì tâm sự: “Được học về văn hóa truyền thống, tham gia múa hát, đánh cồng chiêng, em cảm thấy gắn bó với trường, với lớp nhiều hơn. Bên cạnh đó, em thấy hiểu và yêu hơn về văn hóa truyền thống, cảm thấy cần phải gìn giữ và phát huy vốn văn hóa quý báu ấy”.
Mỹ Sự
Ý kiến bạn đọc